Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thống đốc đã chấp thuận chủ trương mở một số chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại. Theo đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) được mở thêm chi nhánh tại Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh. Riêng BIDV sẽ có thêm 7 chi nhánh (5 chi nhánh ở Hà Nội, TP HCM và 2 chi nhánh còn lại ở Thái Nguyên và Ninh Bình).
LienVietPostBank cũng được chấp thuận mở thêm 4 chi nhánh tại 4 tỉnh là Quảng Bình, Nam Định, Phú Thọ và Lào Cai.
Ngoài đợt mở thêm chi nhánh, nhiều ngân hàng như Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank), Ngoại Thương (Vietcombank), Công Thương (Vietinbank), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Quân đội (MB)... cũng đồng loạt được thiết lập phòng giao dịch mới, chủ yếu tại các tỉnh như Thái Nguyên, Bình Dương, Quảng Nam, Đồng Nam, Hải Dương, Thanh Hóa...
Hầu hết các quyết định chấp thuận trên đều được đưa ra trước ngày 23/10 - thời điểm Thông tư 21 quy định về mạng lưới hoạt động của các ngân hàng thương mại có hiệu lực.
Theo Thông tư này, việc mở mới chi nhánh sẽ ngày càng siết chặt hơn, đặc biệt với các ngân hàng nhỏ, vốn thấp. Cụ thể, mỗi nhà băng chỉ được mở tối đa 10 chi nhánh trong nội thành Hà Nội, TP HCM. Để được mở thêm chi nhánh, ngân hàng thương mại phải kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng lẻ được kiểm toán của năm trước liền kề. Ngoài ra, nợ xấu của năm trước liền kề không được vượt quá 3% hoặc một tỷ lệ khác theo Thống đốc quyết định.
Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn tối thiểu cho mỗi chi nhánh cũng bị siết chặt hơn, từ 100 tỷ đồng nâng lên 300 tỷ. Trao đổi với VnExpress.net, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng với quy định này, nước sẽ vẫn chảy về chỗ trũng bởi những ngân hàng có sẵn mạng lưới rộng thì tiềm lực về vốn đã khá lớn. "Còn những ngân hàng mở chi nhánh về sau sẽ không có lợi thế, do đó việc bắt kịp các nhà băng mạnh càng khó khăn hơn. Một ngân hàng trụ sở chính ở ngoài Bắc, khi muốn vào Nam sẽ khó khăn hơn và ngược lại", vị chuyên gia này cho biết.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có vốn điều lệ thuộc tốp dưới chia sẻ, với việc siết chặt quy định hơn như hiện nay, mở chi nhánh sẽ càng thêm khó khăn với ngân hàng nhỏ. Ông cho rằng, quy định vốn tối thiểu 300 đồng cho mỗi chi nhánh thực chất là một "rào cản kỹ thuật". "300 tỷ một chi nhánh, 10 chi nhánh đã cần ít nhất 3.000 tỷ - ngang với mức vốn điều lệ của một số nhà băng rồi. Dù muốn nhưng để mở chi nhánh đã hết cả vốn thì không ai dám liều cả", ông phân tích.
Thanh Thanh Lan