Bức tranh hoạt động của ngành ngân hàng đã dần lộ diện sau khi các nhà băng công bố báo cáo tài chính trong quý đầu tiên của năm 2018 với mức lãi được ghi nhận tăng đột biến so với cùng kỳ. Tuy nhiên mỗi ngân hàng lại có một câu chuyện riêng về hoạt động.
Là ngân hàng đứng đầu hệ thống, Vietcombank tiếp tục phá kỷ lục của chính mình khi ghi nhận hơn 4.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 3 tháng đầu năm, tăng 59% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, phần tăng thêm chủ yếu đến từ hoạt động khác.
Theo báo cáo tài chính quý I, nhà băng này ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động khác hơn 1.600 tỷ đồng, so với mức 563 tỷ cùng kỳ năm 2017. Theo Vietcombank, phần tăng thêm đến từ các khoản cho vay đã xử lý bằng quỹ dự phòng, ghi nhận vào thu nhập hoạt động khác trong kỳ.
Một khoản bất thường khác là thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần hơn 350 tỷ, tăng gần 250 tỷ so với quý I/2017, phần lớn đến từ đấu giá cổ phần Ngân hàng Phương Đông (OCB) cuối tháng 3.
Trong khi đó, thu nhập lãi thuần của Vietcombank sau 3 tháng đầu năm chỉ tăng 17%, đạt gần 6.200 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3, dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này đạt hơn 568.000 tỷ đồng, tăng 6% so với với đầu năm.
Đạt lợi nhuận tăng đột biến so với cùng kỳ, câu chuyện của Eximbank cũng có phần tương đồng. Ngân hàng này báo lãi trước thuế 560 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên phần đột biến đến từ việc thoái vốn khỏi Sacombank khi Eximbank ghi nhận 522 tỷ đồng thu nhập.
Ở "nồi cơm chính" là thu nhập từ lãi, Eximbank là một trong những trường hợp cá biệt ghi nhận tốc độ tăng trưởng âm. Thu nhập lãi thuần trong quý I chỉ đạt 667 tỷ, giảm 3% so với cùng kỳ. Trên bảng cân đối, khoản mục cho vay khách hàng của Eximbank đã giảm gần 1.000 tỷ đồng so với cuối năm 2017.
VPBank - ngân hàng đã chen chân vào top 3 về lợi nhuận trong quý I, ghi nhận hơn 2.600 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 36% so với cùng kỳ.
Cấu thành lên con số lợi nhuận của ngân hàng này đến từ thu nhập từ lãi (6.027 tỷ, tăng 25%) và hoạt động khác (1.131 tỷ đồng, tăng 449%). Theo Công ty chứng khoán HSC, phần lợi nhuận khác đột biến đến từ việc hạch toán trước 865 tỷ của một thỏa thuận với bảo hiểm AIA. Tuy nhiên, dù duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số, kết quả kinh doanh của VPBank trong quý I vẫn bị HSC đánh giá "thất vọng".
HSC cho biết, sự đóng góp của FE Credit đã giảm đi đáng kể do phải trích lập dự phòng cao và nợ xấu của ngân hàng này đang tăng mạnh. Nợ xấu của ngân hàng mẹ VPBank đã đạt 3,6% đến cuối tháng 3, so với mức 2,8% vào cuối năm 2017. Trong khi đó, tổng nợ xấu đến cuối quý I ở mức hơn 5.100 tỷ đồng, tăng gần 30%.
Tuy nhiên, VPBank cho biết tỷ lệ nợ xấu ngân hàng mẹ chỉ ở 2,93% nếu tính theo Thông tư 02 sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu được tính bằng dư nợ nhóm 3 đến nhóm 5 trên tổng nợ gồm cả các khoản cho vay, cấp tín dụng của ngân hàng và tiền gửi (trừ tiền gửi thanh toán).
Với Techcombank, ngân hàng này có lợi nhuận tăng gần gấp đôi cùng kỳ, đạt 2.569 tỷ đồng. Dù tăng trưởng thu nhập từ lãi chỉ ở mức 17%, Techcombank ghi nhận phần thu nhập khác gần 900 tỷ, nhờ bán công ty tài chính và trích lập dự phòng giảm 35% so với quý I/2017.
LienVietPostBank và BIDV là hai ngân hàng hiếm hoi có mức tăng trưởng một con số trong quý I. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng lại có một hoàn cảnh riêng.
BIDV có mức tăng trưởng rất cao về hoạt động sau 3 tháng đầu năm. Thu nhập từ lãi của nhà băng này tăng 35%, thu nhập từ dịch vụ tăng 30%, thu nhập từ chứng khoán kinh doanh tăng 409% so với cùng kỳ. Qua đó, thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV đạt gần 8.500 tỷ đồng, tăng 84%.
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại chỉ đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 9%. Kết quả này do BIDV đã dành phần lớn lợi nhuận cho việc trích lập dự phòng, khoản mục này tăng gần ba lần cùng kỳ với hơn 6.000 tỷ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, phần dự phòng này đã được BIDV sử dụng để xử lý các khoản nợ khó đòi ngay trong kỳ. Do đó, số dư dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đến cuối quý I gần như không thay đổi so với đầu năm.
Còn LienVietPostBank, nhà băng này lại hoàn toàn trái ngược so với BIDV khi lợi nhuận tăng trưởng 8% do chi phí dự phòng giảm. Trong khi đó, các hoạt động chính của ngân hàng đều giảm mạnh.
Theo báo cáo tài chính, thu nhập lãi thuần của LienVietPostBank giảm 5% cùng kỳ, còn 1.195 tỷ đồng, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối cũng giảm 31% còn 50 tỷ. Theo đó, thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn 569 tỷ so với mức hơn 700 tỷ cùng kỳ năm trước.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta cho rằng, các khoản bất thường đóng góp chính trong cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng, thực tế đã được dự phòng từ trước. Phần lợi nhuận ngoài lãi cũng được chính những nhà băng này nhận định sẽ đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu lợi nhuận kế hoạch năm 2018.
"Áp lực Basel II đến gần yêu cầu các ngân hàng phải thoái vốn sở hữu chéo, xử lý những khoản để dành. Nhưng bản chất của điều này không phải xấu", ông Minh nói và nhận định các khoản lợi nhuận này sẽ là nguồn vốn để hỗ trợ hoạt động cốt lõi của ngân hàng.
Ngoài các lợi ích về mặt quản trị, việc đẩy nhanh tiến độ áp dụng Basel II, theo chuyên gia này, còn mang lại khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. "Khi tiến tới Basel II, kênh huy động trái phiếu quốc tế sẽ trở nên dễ dàng hơn. Với chi phí thấp hơn đáng kể so với huy động từ dân cư, nguồn vốn này sẽ tạo đà duy trì tốc độ tăng trưởng trong tương lai", ông Minh đánh giá.
Minh Sơn