Trái ngược những khó khăn trong việc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cuối năm 2011, sau 7 tháng tín dụng toàn hệ thống tăng chưa nổi 1%, Ngân hàng Nhà nước đã mạnh dạn nới "room" cho một số ngân hàng. TienPhong Bank là ngân hàng đầu tiên được tăng quota, theo đó dư nợ tín dụng (bao gồm cả số dư trái phiếu doanh nghiệp) đến hết năm nay sẽ được tăng tối đa 27% so với cuối năm 2011.
Nối gót TienPhong Bank, Ngân hàng Oceanbank cũng vừa được duyệt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 27%. Tính đến 31/7, tổng dư nợ tín dụng của OceanBank đạt 30.169 tỷ đồng, tăng trưởng 16,7% so với năm 2011.
Ngân hàng Quân đội (MB) cũng vừa được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 25% trong khi trước đó, chỉ tiêu của ngân hàng này được giao là 17%. Riêng trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đã đạt 11,5% - cao nhất trong khối 8 ngân hàng niêm yết.
Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng rục rịch nộp đơn xin cấp thêm quota từ cuối tháng 7 như Ngân hàng phát triển TP HCM (HDBank) hay Ngân hàng Đông Á. Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết ngân hàng đã đề nghị được tăng trưởng tín dụng 25%-30%. 7 tháng đầu năm nay, OCB tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1%, trong khi chỉ tiêu của cả năm là 15%.
Dù đầu năm chỉ tăng trưởng vài phần trăm nhưng nhiều ngân hàng vẫn xin nới chỉ tiêu tín dụng trong những tháng cuối năm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong khi đó, kết quả tăng trưởng tín dụng của các nhà băng này trong nửa đầu năm 2012 dù khả quan hơn một số ngân hàng lớn nhưng không phải quá cao. Sau 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của OCB mới chỉ đạt 1%, trong khi chỉ tiêu của cả năm là 15%. Quý II, dư nợ cho vay của TienPhong Bank tăng 6,8% so với quý trước và lãnh đạo ngân hàng này cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn dễ dàng trong những tháng cuối năm.
Cũng có ý kiến cho rằng các nhà băng xin chỉ tiêu cao nhưng sẽ khó dùng hết "quota" được cấp. Chia sẻ với VnExpress.net về những lo ngại này, Tổng giám đốc TienPhong Bank Nguyễn Hưng - cho biết ngân hàng hoàn toàn tự tin về khả năng sử dụng hết chỉ tiêu 27%. "Việc chấp thuận trước hết đã chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước tin tưởng nên mới giao chỉ tiêu 27% cho các ngân hàng. Bên cạnh đó, TienPhong Bank tự tin làm được vì có sẵn cơ sở khách hàng đã tiếp xúc từ trước
Lãnh đạo một ngân hàng khác cũng vừa xin nới "room" tín dụng lý giải: "Quy mô của ngân hàng chúng tôi không quá lớn. Do đó, cần lưu ý 10% tăng trưởng của các ngân hàng nhỏ có khi không bằng 1% tăng trưởng của các ông lớn quốc doanh khác".
Theo các chuyên gia, đợt xin nới chỉ tiêu lần này chủ yếu rơi vào nhóm các ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, vừa tiến hành tăng vốn điều lệ. Ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho biết, nhìn chung các ngân hàng nhỏ vẫn giữ được đà tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, theo vị nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, đợt tăng "room" rơi nhiều vào các nhà băng vừa hoàn tất tăng vốn điều lệ. "Vừa tăng vốn nên họ cũng cần phải tăng tổng tài sản lên cho tương ứng. Ví dụ trước đây có một đồng cho vay 10 đồng, nay có 2 đồng thì đương nhiên phải cho vay 20 đồng", ông Nghĩa lý giải.
Về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng gần 30% của một số ngân hàng, ông Nghĩa cho biết có thể các nhà băng thực hiện được nhưng cần coi chừng. Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng tín dụng thường rơi vào tình trạng đầu năm tắc, cuối năm dồn toa. Do đó, ông cũng cảnh báo nếu cứ cố đẩy mạnh tín dụng vào cuối năm, nguy cơ lạm phát 5 tháng sau đó sẽ tăng cao.
Trong khi đó, ở nhóm các ngân hàng quy mô lớn hơn, các lãnh đạo chỉ mong đạt hoặc thậm chí hai phần ba mục tiêu đầu năm là toại nguyện. Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc ACB cho biết ngân hàng không có ý định xin tăng "room" tăng trưởng tín dụng. "Chỉ tiêu cũ còn chưa làm hết nói gì đến việc xin thêm", ông Toại cho biết. ACB được Ngân hàng Nhà nước xếp ở nhóm một, với hạn mức tăng trưởng tín dụng tối đa 17% một năm. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, tín dụng tại nhà băng này chỉ tăng 0,8%.
Thanh Thanh Lan