Có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hàng hóa Việt Nam đã vượt ra ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống và bước chân sang những thị trường mới. Năm 2013 được đánh dấu một năm thành công của ngành xuất nhập khẩu Việt Nam, với quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá đều đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả năm 2013 ước đạt khoảng 132 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch của Quốc hội đề ra (là 126,1 tỷ USD, tăng 10%). Không những vậy, thị trường xuất nhập khẩu cũng đang mở rộng, không chỉ trong các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, các nước ASEAN mà bắt đầu phát triển ở các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông, Mỹ La tinh.
Năm 2014, mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu lên 10% trong bối cảnh thị trường thế giới vẫn còn chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Giám đốc một doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang thị trường châu Âu cho biết: "Để trụ được ở thị trường khó tính này, chúng tôi phải mạnh dạn đầu tư vào công nghệ hiện đại và quản lý hiệu quả nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, do lợi thế từ nhân công giá rẻ và nguyên liệu dồi dào đang có xu hướng giảm sút, doanh nghiệp phải tăng cường tìm kiếm nhiều công cụ hỗ trợ nhằm giữ vững và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế".
Nắm bắt được nhu cầu này, một số ngân hàng hàng đầu ở Việt Nam đã có sự quan tâm đặc biệt đến phát triển dịch vụ tài trợ thương mại, với mục đích vừa giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất nhập khẩu, vừa tìm được đầu ra bền vững cho đồng vốn. Tiêu biểu như ngân hàng Techcombank, trong một vài năm trở lại đây, đã liên tục tung ra các sản phẩm mới như nghiệp vụ bao thanh toán, tài trợ hàng lưu kho, xác nhận L/C, chiết khấu L/C có truy đòi, thư tín dụng trả chậm có điều khoản thanh toán ngay (UPAS L/C)….
Dịch vụ bao thanh toán xuất khẩu được Techcombank thực hiện thông qua 180 công ty bao thanh toán tại 60 quốc gia thuộc Hiệp hội Bao thanh toán Quốc tế, nhằm có được những thông tin sát sao hơn về nhà nhập khẩu, giúp nhà xuất khẩu kinh doanh an toàn và thu nợ hiệu quả hơn. Nhờ vậy, sẵn sàng cho phép người mua hàng trả chậm trong khoảng thời gian từ 60 ngày đến 90 ngày, không cần sử dụng các nguồn tín dụng khác. Điều này, gián tiếp tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam chào hàng với điều kiện thanh toán cạnh tranh hơn.
Tại thị trường Mỹ và Canada - thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam thường xuyên có yêu cầu thanh toán theo phương thức trả chậm hoặc nhờ thu chấp nhận chứng từ. Tại hai thị trường này, Techcombank cung cấp dịch vụ Bao thanh toán xuất khẩu thông qua hợp tác chiến lược với Wells Fargo - một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất ở Bắc Mỹ. Được Well Fargo đảm bảo rủi ro tài chính cho bên nhập khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ giảm thiểu tối đa rủi ro và được ứng trước đến 90%, và hưởng lãi suất ứng trước thấp nhất chỉ bằng lãi suất cho vay ngắn hạn.
Giải pháp thư tín dụng trả chậm có điều khoản thanh toán ngay UPAS L/C, nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ phía doanh nghiệp nhập khẩu. Với nguồn ngoại tệ ổn định, linh hoạt của Techcombank, giải pháp này giúp doanh nghiệp thông qua ngân hàng, thanh toán trước cho người thụ hưởng bằng đồng ngoại tệ với lãi suất thấp mà vẫn được hưởng thời gian trả chậm tối đa lên tới 180 ngày. Đồng thời, sử dụng UPAS L/C giảm bớt sức ép về ngoại tệ và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Các sản phẩm, dịch vụ thanh toán thương mại của Techcombank đang ngày càng nhận được sự tín nhiệm cao hơn từ khách hàng doanh nghiệp và giới chuyên môn. Mới đây, Techcombank đã được trao tặng giải thưởng “Ngân hàng tài trợ thương mại tốt nhất Việt Nam” và giải “Ngân hàng quản lý tiền tệ tốt nhất Việt Nam” của tạp chí Asian Banker, Asian Banking and Finance. Đây là lần thứ 15 liên tiếp trong vòng 3 năm từ 2011- 2013, Techcombank được các tổ chức quốc tế uy tín trao giải về tài trợ thương mại và quản lý tiền tệ.
(Nguồn: Techcombank)