Chương trình bảo tồn hạt giống hàng đầu thế giới do Vườn bách thảo Hoàng gia Kew chỉ đạo kỷ niệm cột mốc quan trọng hôm 9/3 trong nỗ lực bảo tồn những loài cây hoang dã quý hiếm và quan trọng đang bị đe dọa. Trong số những loài gần đây nhất được thêm vào ngân hàng hạt giống, nâng số lượng loài cây sưu tập lên hơn 40.000, có nhiều thực vật hoang dã từ Madagascar, Pakistan, và Kavkaz. Chúng bao gồm cây bao báp Perrier (Adansonia perrieri) cực kỳ nguy cấp và cây Erythrophleum couminga nguy cấp, một loài cây họ đậu đặc hữu ở Vườn quốc gia Bare de Ball bên bờ biển phía tây Madagascar. Dù gốc và lá của E. couminga được dùng làm thuốc bổ tim, loài cây này rất độc nếu dùng theo liều cao và chiết xuất từ lá của nó có thể gây khó thở, co giật, thậm chí ngưng tim.
Các loài cây nổi bật khác được thêm vào gần đây gồm nhiều loài phong lan thu thập trên khắp vùng Kavkaz, như Orchis coriophora. Hạt giống phong lan đặc biệt khó thu thập và bảo tồn do chúng thuộc loại nhỏ nhất thế giới, một cây sản sinh hàng triệu hạt nhỏ như hạt bụi. Do kích thước cực nhỏ, chúng thiếu nguồn dự trữ dưỡng chất và thường không thể tự nảy mầm. Thay vào đó, nhiều loài dựa vào nấm cộng sinh. Hạt phong lan cũng khó lưu trữ nhưng các nhà nghiên cứu ở MSB và nhiều nước đối tác đang phát triển phương pháp mới để tối đa hóa tuổi thọ của chúng.
Được các nhà khoa học mô tả như "Thuyền Noah dành cho thực vật", MSB là cơ sở lưu trữ hạt giống hoang dã lớn nhất thế giới, nằm tại trung tâm của Kew ở Wakehurst, Sussex. Bên trong tòa nhà có thể chống bom đạn và lũ lụt là 98.567 bộ sưu tập hạt giống từ 190 quốc gia và lãnh thổ ở cả 7 châu lục, 9 khu vực địa lý sinh học và 36 điểm nóng đa dạng sinh học. Trên thực tế, MSB giữ Kỷ lục Thế giới Guinness dành cho "ngân hàng hạt giống lớn nhất thế giới".
Hạt giống đến MSB ở nhiều dạng và trạng thái khác nhau, đôi khi vẫn bám vào cây và quả. Trước khi chúng có thể lưu trữ trong hầm chứa dưới lòng đất của cơ sở, chúng được sấy khô trong phòng có độ ẩm tương đối 15% và nhiệt độ 15 độ C. Sau đó, các chuyên gia làm sạch hạt giống và chiếu tia X để tìm kiếm dấu hiệu của sâu bệnh và phôi kém phát triển. Cuối cùng, họ sấy khô hạt giống thêm lần nữa để kéo dài thời gian lưu trữ. Với mỗi 1% độ ẩm giảm đi, tuổi thọ của hạt giống sẽ tăng lên gấp đôi.
Sau khi sấy khô, hạt giống thường chứa 3 – 6% độ ẩm. Rút kiệt tất cả nước có thể phá hủy hạt giống. Khi đã sẵn sàng, hạt giống được đặt trong hộp chứa thủy tinh đóng kín và lưu trữ trong phòng lạnh ở -20 độ C để đảm bảo chúng có thể tồn tại hàng trăm năm. Cứ 10 năm, hạt giống được lấy ra để kiểm tra khả năng nảy mầm. Ngoài lưu trữ trong hầm của MSB, ít nhất một nửa số hạt giống nước ngoài cũng được gìn giữ ở nước sở tại.
Những chuyên gia gieo mầm ở MSB kiểm tra hạt giống sau mỗi thập kỷ vì hai lý do: để theo dõi khả năng tồn tại của bộ sưu tập và phát triển các tiêu chuẩn để biến hạt giống thành cây trưởng thành. Hạt giống được ươm trong đĩa cạn với agar, hợp chất giống thạch làm từ tảo. Đây là chất nền cung cấp nước rất thuận tiện. Trong một số trường hợp, các chuyên gia rạch nhẹ để nước thấm vào và giúp hạt thức tỉnh. Một số hạt giống bắt đầu nảy mầm được chuyển tới vườn ươm của MSB và do những nhà làm vườn tại Đơn vị gieo giống và bảo tồn thực vật chăm sóc. Nếu thành công, cây non sẽ tiếp tục phát triển với phân bón hữu cơ.
An Khang (Theo Phys.org)