Ngay sáng hôm sau, Armand Wahyudi Hartono quyết định hạn chế lượng nước uống cung cấp cho trụ sở Bank Central Asia - ngân hàng tư nhân lớn nhất Indonesia. Và đây chỉ là một trong các biện pháp mà Bank Central Asia áp dụng để kiểm soát chi phí và tăng cường hiệu suất năm 2006.
Nhà đầu tư dĩ nhiên rất hài lòng với cách thức này. Họ đã liên tục mua vào cổ phiếu BCA, giúp mã này tăng trưởng liên tục mỗi năm (trừ 2008) kể từ khi IPO năm 2000.
Cổ phiếu BCA đã tăng 19% năm nay, giúp vốn hóa tăng 9 tỷ USD lên 54 tỷ USD. Họ hiện là nhà băng lớn nhất trong chỉ số Jakarta Stock Exchange Finance. Hệ số giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách của BCA là 4,8 - cao nhất trong nhóm các nhà băng lớn toàn cầu.
"BCA được định giá cao cho thấy công ty này là tài sản an toàn, đặc biệt trong thời kỳ biến động", Bharat Joshi - Giám đốc đầu tư Aberdeen Standard Investment Indonesia nhận xét, "Chúng tôi thích ngân hàng này vì nhiều lý do. Nhưng trên hết là năng lực quản lý và kết quả kinh doanh tốt".
BCA đang hưởng lợi từ tầng lớp trung lưu ngày một tăng tại Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Quốc gia hơn 260 triệu dân này được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất 7 năm vào năm tới, kể cả khi môi trường bên ngoài xấu đi.
"Người Indonesia đang giàu lên với tốc độ nhanh hơn dự báo. Họ cũng ngày càng thông minh hơn và tiết kiệm được nhiều hơn. BCA là ngân hàng rất được nhóm người này ưa chuộng", Taye Shim - Giám đốc các thị trường vốn tại Mirae Asset Sekuritas Indonesia nhận xét.
Giảm chi phí là trọng tâm chiến lược của BCA. Ngoài hạn chế nước uống, họ còn cấp cả hạn mức sử dụng Internet cho nhân viên và quản lý. Phòng họp cũng không miễn phí. Các phòng ban sẽ phải trả tiền để sử dụng.
BCA còn nổi tiếng với mức nợ khá bền vững. Tỷ lệ nợ xấu của họ chỉ là 1,4% nửa đầu năm, khá thấp so với trung bình 2,5% toàn ngành. Giám đốc Jahja Setiaatmadja tháng này cho biết họ kỳ vọng tăng trưởng khoản vay đạt mục tiêu 11% năm nay.
BCA được Sudono Salim sáng lập năm 1957. Sau đó, ngân hàng này được chính phủ Indonesia cứu trợ trong khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 90. Chính phủ sau đó bán lại phần lớn cổ phần cho hai tài phiệt Robert Budi Hartono và Michael Bambang Hartono. Họ hiện là hai tỷ phú thuộc nhóm giàu nhất châu Á.
Hà Thu (theo Bloomberg)