Tại lần đấu giá thứ 8, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) hạ giá căn nhà tại số 110 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, diện tích 100,8 m2 còn 30,6 tỷ đồng, tương đương 303 triệu đồng mỗi m2. Trên đất có công trình nhà cấp bốn, tổng diện tích sàn hơn 205 m2.
Đây là tài sản được thế chấp tại Agribank chi nhánh Hà Thành của Công ty TNHH Ajmal Việt Nam.
Lần đầu tiên bất động sản này được Agribank AMC chào đấu giá là cuối tháng 8/2022, với giá khởi điểm 60,5 tỷ đồng, tương đương 605 triệu đồng mỗi m2. Sau đó, tài sản này được chào đấu giá thêm 7 lần nhưng vẫn không thành công. Tại lần đấu giá thứ 8, giá khởi điểm của căn nhà đã giảm gần một nửa. Người muốn tham gia cuộc đấu giá căn nhà cần nộp cọc trước 3,06 tỷ đồng, tương đương 10% giá khởi điểm.
Cuối tháng 9, Agribank cũng chào đấu giá một căn nhà khác ở phố cổ Hà Nội, tại số 19 Hàng Chiếu, quận Hoàn Kiếm, diện tích 160 m2. Tài sản này có giá khởi điểm là 64,3 tỷ đồng, giảm gần 43 tỷ đồng so với lần đầu được chào đấu giá vào tháng 8/2022.
Theo khảo sát, nhà mặt phố ở khu vực phố cổ Hà Nội như Hàng Buồm, Hàng Bè, Hàng Gà... được chào bán từ 500 triệu đến hơn tỷ đồng mỗi m2.
Tình trạng bất động sản phố cổ bị ế cũng diễn ra tại khu phố cổ Hội An, Quảng Nam. Sau lần đầu tiên đấu giá cuối tháng 10, 11 căn nhà ở phường Minh An và phường Cẩm Phô, TP Hội An vẫn ế và tiếp tục được chào đấu giá trong tháng 12. Tổng giá trị của các tài sản này hơn 250 tỷ đồng (tính theo giá khởi điểm) trong đó cao nhất gần 72 tỷ đồng. Tại trung tâm phố cổ Hội An, những căn nhà mặt đường Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Lê Lợi được chào giá 300-500 triệu đồng một m2.
Lý do nhà mặt đường phố cổ ế là được chào bán trong thời điểm thị trường bất động sản trầm lắng. Trong khi loại hình này giảm giá sâu nhưng vẫn có giá trị rất lớn, đòi hỏi người đăng ký mua phải có điều kiện tài chính phù hợp. Tình trạng này khác hẳn với vài năm trước đây khi nhà phổ cổ tại Hà Nội được định giá cả tỷ đồng mỗi m2, tại Hội An khoảng 300-500 triệu đồng mỗi m2 nhưng nguồn cung khá hiếm hoi.
Ngọc Diễm