Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng trả nợ của nhiều khách hàng. Số liệu của Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã giảm lãi phải trả cho nhiều khoản vay hiện hữu với tổng dư nợ 948.000 tỷ đồng.
Theo ước tính, các ngân hàng có thể "hy sinh" khoảng 3.000 tỷ lợi nhuận để giảm lãi suất cho số dư nợ trên. Chính sách này nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích người đi vay trả nợ cho nhà băng. Một số ngân hàng giảm toàn hệ thống và không yêu cầu điều kiện, số khác giảm lãi cho một phần dư nợ tuỳ vào tình hình tài chính.
Như tại Vietcombank, sau đợt giảm lãi suất 1-1,5 điểm % cho các khoản vay hiện hữu từ giữa tháng 2, nhà băng này tiếp tục giảm 5-10% trên tổng lãi phải trả của hơn 300.000 tỷ đồng dư nợ hiện hữu (chiếm 50% tổng dư nợ).
BIDV cũng hạ lãi suất đến 2 điểm % một năm cho doanh nghiệp đang vay với mức giảm tùy thuộc từng lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng. Với khách hàng cá nhân, nhà băng này giảm lãi suất cho cá nhân đang vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương và lao động mất việc trong diện được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng từ Chính phủ.
Căn cứ trên mức độ ảnh hưởng của Covid-19, VietinBank cũng giảm trừ lãi suất cho vay 1,25-3% một năm so với thông thường và giảm lãi suất đối với dư nợ cũ trong thời gian tối đa 6 tháng. Ước tính, lợi nhuận của VietinBank giảm 3.000-4.000 tỷ đồng qua các đợt giảm lãi và phí.
Từ đầu tháng 4, nhiều nhà băng khác như VIB, HDBank, Kienlongbank... cũng giảm 0,5-4,5% lãi suất cho khách hàng hiện hữu trong bối cảnh dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Vụ tín dụng cho biết đến nay, các ngân hàng đã cơ cấu nợ (lùi hoặc giãn nợ) cho gần 63.000 tỷ đồng dư nợ sau hơn một tháng Thông tư 01 có hiệu lực.
Các ngân hàng cũng đã miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ hơn 12.000 tỷ đồng cho những khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch. Dư nợ của các doanh nghiệp được lùi hạn trả nợ và miễn giảm lãi theo Thông tư 01 không bị đưa vào diện nợ xấu.
Việc lùi hoặc giãn hạn trả nợ cho doanh nghiệp và người dân đang có "độ trễ" về mặt thời gian theo phản ánh của nhiều khách hàng. Nguyên nhân được các nhà băng đưa ra là việc cơ cấu nợ cần thời gian để đánh giá mức độ bị ảnh hưởng cũng như khả năng hồi phục sau dịch và trả được nợ vay của doanh nghiệp.
Chia sẻ trong cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, với hơn chục ngàn hồ sơ chờ được cơ cấu lại, thậm chí 50% lực lượng kinh doanh của nhà băng này đã chuyển sang quản lý, thu hồi, cấu trúc nợ. Ngân hàng sẽ đẩy nhanh tiến độ và số lượng khách hàng được tái cơ cấu.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu quyết liệt triển khai Thông tư 01 để miễn giảm lãi vay cũ và cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng gặp khó khăn. Cơ quan này cho biết sẽ xử lý nghiêm những trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân dẫn đến các thắc mắc, khiếu kiện.
Quỳnh Trang