Sáng nay (9/11) khoảng 977 triệu cổ phiếu của LienVietPostBank chính thức niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM - HoSE với mã chứng khoán LPB, trở thành ngân hàng đầu tiên được chấp thuận niêm yết năm 2020.
Giá khởi điểm của LPB là 11.800 đồng một cổ phiếu, tương ứng giá trị vốn hóa khi chào sàn đạt hơn 11.500 tỷ đồng. Mức giá này được xác định theo nguyên tắc bình quân giá tham chiếu của cổ phiếu LPB trong 20 phiên giao dịch cuối cùng tại sàn UpCoM.
Trước LienVietPostBank, 389 triệu cổ phiếu Ngân hàng Nam Á (mã cổ phiếu NAB) cũng chính thức giao dịch trên UPCoM, với giá tham chiếu 13.500 đồng mỗi cổ phiếu. Đây là ngân hàng thứ 3 trong năm nay đăng ký giao dịch trên UPCoM, sau Ngân hàng Bản Việt và Ngân hàng Sài Gòn hồi đầu tháng 7 vừa qua.
Nhiều ngân hàng chưa từng giao dịch trên UPCoM cũng đặt kế hoạch niêm yết trực tiếp trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) trong năm nay như MSB hay OCB. Ngoài ra, một số nhà băng khác như VIB, ACB, SHB ... thì đặt mục tiêu chuyển cổ phiếu từ UpCoM hoặc HNX qua HoSE.
Như vậy, sau nhiều năm chần chừ, đến khoảng thời gian cuối năm nay, nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa muốn chuyển sàn hoặc niêm yết cổ phiếu.
Các chuyên gia cho rằng, "làn sóng" này xuất hiện là điều dễ hiểu khi năm 2020 là hạn chót quy định các ngân hàng phải hoàn thành việc đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trong khi đó, theo luật chứng khoán mới có hiệu lực từ đầu năm 2021, các cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM sẽ phải mất 2 năm để "làm quen" rồi mới được niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức, nên dẫn đến hiện tượng một số ngân hàng muốn chuyển sàn.
Ngoài ra, ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch LienVietPostBank cho biết, việc niêm yết cổ phiếu của ngân hàng trên HoSE còn giúp nâng tầm hoạt động quan hệ nhà đầu tư. Qua đó, đưa cổ phiếu LPB trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu cho các mục tiêu tăng trưởng trong tương lai,...
Trong khi đó, đại diện MSB cho hay, niêm yết cổ phiếu của ngân hàng lên sàn là mục tiêu quan trọng góp phần giúp nhà băng nâng cao vị thế trên thị trường, bảo đảm quyền lợi tối đa của cổ đông, đối tác, khách hàng và cán bộ, nhân viên.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, các cổ đông nhỏ lẻ của các ngân hàng đều thúc giục ban lãnh đạo nhà băng niêm yết cổ phiếu, nhưng lý do chậm trễ đưa ra thường là thị trường không thuận lợi.
Nếu tính cả tân binh LienVietPostBank, hiện toàn thị trường có 14 ngân hàng niêm yết chính thức gồm: VCB, CTG, BID, MBB, EIB, STB, TCB, HDB, TPB, VPB, LPB, ACB, SHB và NVB. 7 ngân hàng giao dịch trên UPCoM với mã giao dịch là VIB, VBB, BAB, KLB, BVB, SGB và NAB.
Trong năm nay, nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng tăng giá mạnh từ 30 đến 100%. Ngoài việc tăng chung của thị trường chứng khoán, ngành ngân hàng còn được đánh giá đang diễn biến tích cực khi chất lượng tài sản tốt hơn mong đợi, lợi nhuận ròng tăng trưởng ổn định và những nỗ lực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đang được thực hiện mạnh mẽ.
Bộ phận nghiên cứu thuộc Công ty chứng khoán SSI cũng vừa có cập nhật ngành ngân hàng về việc một số ngân hàng mới niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) gần đây.
Theo SSI, thông tin xung quanh việc chuyển sàn từ UPCoM và HNX sang HoSE giúp cổ phiếu của nhiều ngân hàng tăng trưởng vượt thị trường kể từ đầu năm. Cụ thể, mã cổ phiếu của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB), Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã tăng 80% đến gần 200% kể từ đầu năm đến nay.
Một chuyên gia trong ngành nhận định, năm nay cổ phiếu của một số ngân hàng sẽ tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư do đẩy nhanh được tiến độ xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng theo tiêu chuẩn Basell II.
Thanh Lê