Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn chấp thuận cho ông Nguyễn Thanh Tùng (Thành viên HĐQT Ngân hàng Đông Á - DongA Bank) làm tổng giám đốc nhà băng này. Quyết định bổ nhiệm dự kiến sẽ chính thức công bố vào ngày 31/12.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, nguyên là Giám đốc Ngân hàng Công Thương chi nhánh TP HCM tham gia Hội đồng quản trị của DongA Bank từ ngày 14/9 với vị trí thành viên hội đồng quản trị, thay thế vị trí của bà Nguyễn Thị Kim Xuyến - Phó tổng giám đốc, đã xin từ nhiệm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1966 là Thạc sĩ Kinh tế tài chính. Ông đã có gần 25 năm kinh nghiệm làm công tác tín dụng và lãnh đạo phòng phụ trách công tác tín dụng tại VietinBank.
Trong thời gian khuyết chức danh Tổng giám đốc vừa qua, Ngân hàng Đông Á đã cử ông Nguyễn An, Phó tổng giám đốc đảm nhận vai trò điều hành trong lúc ngân hàng tìm nhân sự CEO để trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Trước đó, ngày 13/8, Ngân hàng Nhà nước đã công bố kết luận thanh tra toàn diện Ngân hàng cổ phần Đông Á và quyết định kiểm soát đặc biệt với ngân hàng này. Lý do Ngân hàng Nhà nước đưa ra là DongA Bank đã có những sai phạm trong quản lý tài chính và cấp tín dụng giai đoạn trước 2012.
Tiếp đó, chiều 20/8, Ngân hàng Nhà nước quyết định đình chỉ các chức vụ của Tổng giám đốc Trần Phương Bình và Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Ngọc Vân, đồng thời trưng tập 2 cán bộ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để thay thế, đảm nhận hai chức danh nói trên. Tuy nhiên sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã dừng quyết định trưng tập này và thống nhất chủ trương cho Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) tự cử người điều hành tạm thời. Theo đó, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Nguyễn An được cử điều hành tạm thời hoạt động ngân hàng thay cho ông Trần Phương Bình.
Ngày 27/8, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có quyết định chỉ định ông Võ Minh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tham gia Hội đồng Quản trị của DongA Bank với vị trí ủy viên, thay thế vị trí của ông Trần Phương Bình và đã được Hội đồng Quản trị DongA Bank bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị sau khi ông Cao Sỹ Kiêm từ nhiệm.
Hôm 22/8, ông Trần Phương Bình viết thư tay gửi VnExpress, chuyển lời xin lỗi tới khách hàng, cổ đông và cán bộ nhân viên. Ông tự nhận trách nhiệm cá nhân vì đã có một số quyết sách dẫn tới hệ quả xấu như ngày nay. Trong thư, ông mong khách hàng tiếp tục ủng hộ, giữ quan hệ giao dịch với ngân hàng, mong được cổ đông đồng thuận khi đệ trình các phương án tái cấu trúc DongA Bank.
Sau những ngày sóng gió, nhờ nền tảng hoạt động khá tốt trước đây, cộng với sự tín nhiệm cao từ khách hàng cũng như cam kết hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, DongA Bank đã dần ổn định được tâm lý của người gửi tiền, thanh khoản tốt. Việc rút tiền giảm hẳn từ ngày 19/8, khách bắt đầu gửi tiết kiệm trở lại, thanh khoản của ngân hàng vẫn đảm bảo ổn định. Sau mấy tháng trải qua giai đoạn khó khăn, toàn bộ số tiền, vàng chi trả cho khách hàng đều do DongA Bank tự cân đối, chưa sử dụng nguồn vay cấp vốn nào từ Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khác.
Được thành lập và chính thức hoạt động vào năm 1992, với số vốn điều lệ 20 tỷ đồng, đến nay Ngân hàng Đông Á có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, tổng tài sản gần 90.000 tỷ đồng. Đây là một trong những ngân hàng tiên phong và đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thẻ, thu hút hơn 5 triệu khách hàng sử dụng. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên nghiên cứu và chế tạo ATM nhả vàng, đưa vào hoạt động các dòng ATM lưu động, các buồng Auto Banking thế hệ mới có chức năng nhận tiền mặt trực tiếp lớn nhất Việt Nam...
Đông Á không phải là cái tên được nhắc tới trong lần đầu Ngân hàng Nhà nước công bố kế hoạch tái cơ cấu toàn diện hệ thống. Tuy nhiên, số phận của ngân hàng được đặc biệt quan tâm sau khi kết quả kinh doanh 2014 cho thấy chỉ đạt 7% kế hoạch đề ra. Năm 2014, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 35 tỷ đồng, giảm 96% so với năm 2013. Với kết quả này, DongA Bank không trả cổ tức cho cổ đông. Tăng trưởng tín dụng là 1% (cho vay tổ chức tín dụng trong nước tăng 73% trong khi cho vay khách hàng giảm 2,26%) và nợ xấu là 3,7%.
Lệ Chi