Trong nhóm dẫn đầu, những nhà băng quốc doanh như Vietcombank, BIDV và VietinBank vẫn bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận năm nay thì Techcombank và VPBank cùng đề xuất mục tiêu đi ngang.
Đứng thứ hai về lợi nhuận chỉ sau Vietcombank, Techcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế chỉ 13.000 tỷ, so với kết quả hơn 12.800 tỷ đồng năm trước, tăng hơn 1%. Hội đồng quản trị cho biết kế hoạch này có thể tiếp tục điều chỉnh tùy theo hạn mức tăng trưởng tín dụng và việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước từng thời kỳ.
Cơ cấu hoạt động của Techcombank cũng cho thấy sự thận trọng hơn khi chiến lược hạ dần các phân khúc rủi ro. "Techcombank sẽ mở rộng cách tiếp cận theo mô hình hệ sinh thái chuỗi giá trị hàng tiêu dùng nhanh và giảm sự phụ thuộc vào chuỗi giá trị nhà ở", báo cáo của ban tổng giám đốc cho biết. Riêng trong nhóm bất động sản, ngân hàng tập trung vào các phân khúc ít rủi ro như người mua, các giai đoạn bán và giao hàng.
Xem thêm: Lợi nhuận ngân hàng hết thời tăng nóng
Mục tiêu năm nay của VPBank cũng hướng tới sự thận trọng, hơn là ưu tiên tăng trưởng. "Nếu dịch bệnh không có diễn biến đặc biệt, lợi nhuận ngân hàng cả năm có thể tăng 10-20%", ông Nguyễn Đức Vinh, CEO VPBank cho biết. Tuy nhiên, kế hoạch mà ngân hàng này đưa ra là giảm 1%, khoảng 10.200 tỷ đồng.
"Nếu không có khủng hoảng do Covid-19, VPBank có thể hướng tới mục tiêu 13.500-14.000 tỷ lợi nhuận", ông Vinh cho biết. Tuy nhiên khi đại dịch diễn biến phức tạp, ngân hàng phải xây dựng các kịch bản khác nhau nhưng mục tiêu ưu tiên hàng đầu là bảo toàn vốn, bảo toàn hệ thống và đảm bảo ít bị ảnh hưởng nhất.
Riêng với FE Credit, mức độ ảnh hưởng được đánh giá là khó khăn hơn cả do phân khúc thị trường mang tính rủi ro cao. Trong nửa đầu năm, công ty tài chính tiêu dùng không tập trung phát triển khách hàng mới, chỉ tập trung bán chéo với nhóm khách hàng hiện hữu đã kiểm soát được rủi ro. Thu nhập hoạt động của FE Credit năm nay có thể vẫn giảm cả nghìn tỷ đồng, là một phần nguyên nhân khiến VPBank đưa ra kế hoạch thận trọng.
Tương tự VPBank, Sacombank cũng đặt mục tiêu thấp hơn 20%, còn 2.570 tỷ đồng trong năm 2020. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc Sacombank cho hay, kế hoạch 2020 xây dựng thận trọng vì dịch bệnh. Nếu dịch được kiểm soát tốt hơn hoặc chấm dứt thì ban lãnh đạo có thể điều chỉnh lợi nhuận, nhưng khả năng cũng chỉ bằng năm ngoái.
Ở nhóm phân khúc thấp hơn, TPBank năm nay dự kiến lợi nhuận chỉ tăng 5%, dù trước đó nhà băng này tăng lãi hơn ba lần trong giai đoạn 2017-2019.
"Hạ lãi suất nhiều nhưng do doanh nghiệp không triển khai kinh doanh nên tiền gửi tăng nhưng cho vay ít. Hơn nữa, ngân hàng cũng không được dự thu lãi các khoản nợ đã cơ cấu", ông Nguyễn Hưng, CEO TPBank đánh giá. "Trong bối cảnh này, ngân hàng cũng phải tìm các cách giảm chi phí để đảm bảo lợi nhuận. Không giảm lương nhưng sẽ dừng tuyển mới và không tăng lương nhằm tiết kiệm chi phí".
Theo tổng hợp của FiinGroup từ 12/18 ngân hàng niêm yết, chiếm 91,8% vốn hóa toàn ngành, lợi nhuận sau thuế năm nay các nhà băng dự kiến giảm 11,9%. Các chỉ tiêu này phần lớn đặt ra sau khi dịch đã được kiểm soát.
"Việc đặt chỉ tiêu thấp là do những tác động của dịch Covid-19 và định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước về việc chia sẻ khó khăn với khách hàng", nhóm phân tích của FiinGroup nhận xét và cho biết thêm, sức ảnh hưởng của Covid-19 hiện vẫn được các ngân hàng phân tích và có thể tiếp tục điều chỉnh mục tiêu.
Điểm đáng lưu ý là các tác động của Covid-19 mới chỉ phản ánh một phần vào kết quả kinh doanh của quý I. Theo Thông tư 01, dư nợ được cơ cấu do tác động của dịch vẫn được hạch toán là nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm I) và không phải trích dự phòng. Tuy nhiên, ngân hàng cũng không được trích lãi dự thu từ các khoản nợ được cơ cấu này và tổng dư nợ được cơ cấu lại là gần 138.000 tỷ đồng tính đến 11/5.
"Điều này sẽ làm cho thu nhập lãi thuần có thể giảm trong quý II", nhóm phân tích nhận xét nhưng cũng cho biết điểm lợi là các ngân hàng không phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh trên phần lãi dự thu đó.
Trước đó, kết thúc quý I, trong nhóm 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất theo báo cáo tài chính riêng lẻ, một nửa số này ghi nhận thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của 18 ngân hàng niêm yết tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 11,5% so với quý IV/2019.
Minh Sơn