Theo số liệu trong báo cáo ngành của Công ty phân tích dữ liệu và tài chính StoxPlus, tỷ lệ tổng cho vay tiêu dùng cá nhân trên GDP danh nghĩa của Việt Nam năm 2009 là 7,8%, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Indonesia (10%), Thái Lan (18%), Malaysia (42,5%) và thấp hơn nhiều so với ở các nước phát triển như Mỹ (91%), Anh (99%). Năm 2012 tỷ lệ này thậm chí giảm xuống còn 3,7% GDP.
Nhưng một năm trở lại đây, mảng tín dụng doanh nghiệp tắc nghẽn khiến nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay cá nhân, trong đó có phát triển thẻ tín dụng. Các ngân hàng không ngừng đưa ra những chương trình hấp dẫn, từ miễn phí mở thẻ; không tính phí thường niên, liên kết nhiều chương trình khuyến mãi để tăng thị phần.
Chị Phương Nga, quận 6, TP HCM cho biết, một ngày có khi nhận được 4-5 cuộc gọi từ nhân viên ngân hàng mời chào mở thẻ tín dụng. Theo lời nhân viên tư vấn, trước đây, khi vay tiêu dùng khách hàng phải thế chấp bằng bất động sản, lập phương án trả nợ..., thì nay ngân hàng chỉ cần bảng sao kê thu nhập hàng tháng (thanh toán qua ngân hàng) cùng với các giấy tờ pháp lý khác (CMND, hộ khẩu, hợp đồng lao động, …) là có thể vay được tiền thông qua thẻ tín dụng.
Thủ tục đơn giản, nhân viên tư vấn tận tình, ngân hàng còn phối hợp với các doanh nghiệp, trung tâm mua sắm hỗ trợ khách hàng khi dùng thẻ mua sắm với chiết khấu, giảm giá ưu đãi từ 10 - 50%.
Chị Phương Nga cho biết đã mở cùng lúc 3 thẻ tín dụng tại các nhà băng khác nhau. "Trước đó, tôi đều nói chỉ có một mức thu nhập như vậy và đã làm thẻ ở 2 nơi khác nhưng nhân viên nhà băng bảo không vấn đề gì", chị Nga kể.
Trên thực tế, việc cấp thẻ tín dụng không nhất thiết phải căn cứ vào việc khách hàng đã có bao nhiêu thẻ. Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết điều quan trọng là khách phải có hai điều kiện chính. Đó là khả năng trả nợ như: có nhà cửa, công ăn việc làm hay địa vị vững vàng cộng thêm quá trình trả nợ tốt, không bị nợ xấu sẽ được điểm tín dụng cao. Do đó, nhiều khi một người được cấp hàng chục thẻ đủ loại với mức giới hạn tín dụng rộng rãi.
Trao đổi với VnExpress.net, Giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng ngoại chiếm thị phần thẻ lớn tại Việt Nam cũng cho biết, việc mở nhiều thẻ không cho thấy sự rủi ro mà quan trọng là tổng hạn mức tín dụng cấp cho khách hàng có phù hợp với khả năng thu nhập của họ hay không. "Có khách mở nhiều thẻ, một thẻ chính và 2-3 thẻ phụ để cho vợ chồng hoặc con cái họ", ông này dẫn chứng thêm.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia lo ngại nợ xấu từ thẻ tín dụng sẽ gia tăng một khi nền kinh tế có dấu hiệu ngày một sa sút như hiện nay. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng từng nhiều năm làm việc tại Mỹ cho biết, rất nhiều khoản vay từ thẻ tín dụng trở thành nợ xấu một khi kinh tế khó khăn, khả năng thanh toán của người dân giảm sút.
"Ở Mỹ, năm 2008, khi kinh tế khó khăn, nợ xấu từ thẻ tín dụng là một vấn nạn rất lớn khi đó. Nhiều khách hàng còn phải ra tòa hoặc tuyên bố phá sản. Tình trạng của Việt Nam đang khá giống và đây có thể là một rủi ro lớn", ông Hiếu dẫn chứng.
Về phần mình, các ngân hàng vẫn cho rằng không khó để kiểm soát nợ xấu từ mảng cho vay tiêu dùng. Tổng giám đốc Sacombank thông tin, nợ xấu bên mảng bán lẻ tại nhà băng tới nay khá thấp, chưa đầy 1% trên tổng dư nợ. "Riêng mảng thẻ tín dụng, Sacombank vẫn khá cẩn trọng trong xét duyệt. Đến nay tổng số thẻ đã phát hành khoảng 100.000 thẻ nhưng nợ xấu không đáng kể", ông Khang nói.
Trong khi đó, một lãnh đạo của VIB cũng cho rằng Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước có chức năng thu nhận, lưu trữ, phân tích, xử lý, dự báo thông tin tín dụng nên toàn bộ thông tin của khách hàng đều được lưu trữ tại đây. Các ngân hàng đều căn cứ vào đó khi xét đơn xin cấp thẻ. "Chỉ cần người sử dụng thẻ để phát sinh nợ xấu tại một ngân hàng thì tất cả các nhà băng khác đều biết và sẽ có biện pháp xử lý ngay", ông nói.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng khác tại TP HCM lại cho rằng, sẽ là nguy cơ lớn nếu các tiêu chí thẩm định bị xem nhẹ, thậm chí là bị chính nhân viên phát hành thẻ lờ đi.
"Có thể xem đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới nợ xấu thẻ tín dụng. Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khả năng khách hàng mất việc làm hoặc thu nhập giảm nhưng ngân hàng không xác minh lại khi tái cấp thẻ cũng là nguy cơ gây nợ xấu rất lớn", ông nói.
Có thể vì lý do này mà hiện nay một số nhà băng đang cảnh giác hơn. Chị Bích, TP HCM cho biết, chị là khách hàng dùng thẻ tín dụng hạng VIP khá lâu của một nhà băng. "Bất ngờ tuần rồi nhân viên ngân hàng này gọi điện lại cho tôi để kiểm tra về khả năng tài chính như đi xe hiệu gì? Nhà vẫn là biệt thự hay đã thay đổi....", chị nói.
Lệ Chi - Thanh Lan