Chiều 29/11, phiên xử ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á - DAB), Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm, Chủ tịch HĐQT Công ty Bắc Nam 79) và 24 bị cáo tiếp tục phần xét hỏi.
HĐXX tập trung làm rõ cáo buộc ông Bình và các nhân viên chi lãi ngoài, chi sai nguyên tắc, lập hàng loạt chứng từ thu khống...

Ông Trần Phương Bình. Ảnh: Hữu Khoa.
Trả lời thẩm vấn, ông Bình và nguyên phó tổng giám đốc DAB Nguyễn Thị Kim Xuyến cho biết, từ năm 2011 có nhiều khách hàng rút vốn tại DAB để gửi sang ngân hàng có lãi suất cao hơn nên họ thống nhất phải chi lãi suất vượt trần, trái quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để huy động vốn.
Mức lãi suất ngoài do Xuyến và nguyên trưởng phòng quản lý tài sản nợ DAB Nguyễn Thị Ái Lan chỉ đạo, dao động 1,2%-2,8% mỗi năm. Năm 2011, 2012 tỉ lệ chi lãi ngoài tăng cao rồi giảm dần, thấp nhất vào năm 2015 (0,3-1% mỗi năm). Đến ngày 8/4/2015, DAB không chi lãi suất ngoài nữa.
Quá trình điều tra xác định, từ tháng 3/2011 đến tháng 4/2015, DAB đã chuyển 437 tỷ đồng chi lãi ngoài và 650 lượng vàng (khoảng 30 tỷ đồng) cho 219 đơn vị kinh doanh.
Có mặt tại tòa, đại diện DAB cho rằng ngoài khoản tiền gốc 3.608 tỷ đồng, DAB còn thiệt hại lãi phát sinh gồm 1.188 tỷ và hơn 6.600 lượng vàng. Trong đó, tiền thiệt hại được tính từ thời điểm các bị cáo ghi khống các khoản thu chi, còn vàng từ lúc xuất kho để bán bù âm quỹ.
Trả lời câu hỏi "số cổ phiếu của DAB có bị coi là chiếm đoạt hay không" mà luật sư của ông Bình đưa ra, phía ngân hàng cho biết "thuộc về nhận định, đánh giá của HĐXX".

Bị cáo Nguyễn Hồng Ánh. Ảnh: Hữu Khoa.
Cựu trung tá cảnh sát thừa nhận chiếm đoạt 53 tỷ đồng
Bị cáo Nguyễn Hồng Ánh (cựu cán bộ Công an TP HCM) thừa nhận cáo trạng truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là phù hợp. "Bị cáo đã có hành vi ký phiếu thu 1.900 lượng vàng, số tiền đó là khống và bị cáo không nộp tiền", ông Ánh chậm rãi nói.
Đầu năm 2008, ông Ánh đề nghị vay 2.000 lượng vàng và được ông Bình chấp thuận. Một năm sau, ông Ánh trả lãi khoảng 100 cây vàng thông qua 12 lần giao dịch. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho đây chỉ là thủ tục trên giấy tờ, mục đích để đảo nợ cho hợp đồng lần thứ hai ông Ánh vay 2.000 lượng vàng tính từ thời điểm này. Một năm sau, ông Ánh trả lãi và một phần nợ gốc nên DAB tiếp tục lập phiếu thu khống, đảo nợ để thành hợp đồng vay mới 1.900 lượng vàng.
Để có tiền tất toán khoản vay 1.900 lượng vàng, ông Ánh đã để lại sổ tín dụng trị giá 32 tỷ. Ngoài ra, ông cho biết mượn của ông Bình 1.200 lượng để đưa vào ngân hàng. "Bình lấy tiền đâu cho mượn?", chủ tọa chất vấn. Bị cáo Ánh nói "nghĩ rằng ông Bình có tiền và thỏa thuận sẽ bán lại một số cổ phiếu tại DAB".
Trong việc này, ông Bình đã chỉ đạo nhân viên lập phiếu thu khống để hợp thức hóa khoản chênh lệch. VKS cáo buộc ông Ánh chỉ trả 32 tỷ đồng trên tổng số 85 tỷ, khiến DAB thiệt hại hơn 53 tỷ.
Ngày mai xét hỏi Phan Văn Anh Vũ
Vũ Nhôm và nguyên trưởng phòng quản lý tài sản nợ DAB Nguyễn Thị Ái Lan vẫn bị cách ly tại trại giam, HĐXX cho biết sẽ trích xuất họ vào sáng mai để tham gia xét hỏi. Tại cơ quan điều tra, cả hai đều không thừa nhận sai phạm.
Theo cáo trạng, Vũ Nhôm, ông Bình và 24 bị cáo đã gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng của DAB. Trong đó, ông Bình chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu khống, chiếm đoạt của DAB tổng cộng 2.057 tỷ đồng trong khoảng thời gian 2007-2014. Trong đó, ông Bình giúp Vũ chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng; mua giúp hơn 13 triệu USD nhưng chưa được thanh toán...
Quá trình điều tra, ông Bình khắc phục 4 tỷ đồng, Vũ Nhôm khắc phục 173 tỷ... Nhà chức trách cũng kê biên hơn 125 triệu cổ phần DAB (24,88% vốn điều lệ) của ông Bình, bà Xuyến, Phan Văn Anh Vũ, Công ty Bắc Nam 79 và 18 cá nhân.
Kỳ Hoa