Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư 01 sửa đổi, bổ sung, dựa trên phản ánh thực tế của ngân hàng và doanh nghiệp khi triển khai cơ cấu nợ cho các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch.
Theo đó, thay vì ngân hàng chỉ xem xét cơ cấu hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm cho khoản vay được giải ngân trước ngày 23/1, các khoản vay được giải ngân trước ngày 25/4 cũng sẽ thuộc diện được cơ cấu.
Trên thực tế, nhiều khách hàng vay sau ngày 23/1, đặc biệt là vay ngắn hạn vẫn không trả được nợ do không lường trước được tác động của dịch bệnh. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước nới thêm khoảng thời gian để không bỏ sót khách hàng bị ảnh hưởng và cũng cần giới hạn mốc đến 25/4 để tránh tình trạng trục lợi chính sách.
Bên cạnh đó, các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi từ ngày 23/1 đến hết năm nay cũng sẽ được xem xét cơ cấu nợ. Trước đây, Thông tư 01 quy định mốc thời gian này là từ 23/1 đến ngày liền kề sau sau ba tháng từ lúc Thủ tướng công bố hết dịch.
Ngân hàng Nhà nước nhận định nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu hạn chế. Vì vậy, ngay cả khi Việt Nam công bố hết dịch nhưng dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp vẫn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của Covid 19 do các hoạt động du lịch, hàng không, xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Ngoài ra, nhà điều hành cho phép các ngân hàng thương mại không tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 01 để giảm áp lực nợ xấu tăng đột biến và trích lập dự phòng cho các ngân hàng trong vài năm tới. Theo đó, ngân hàng được phép tiếp tục cơ cấu nợ kể cả khi khách vẫn không trả được sau khi đã được giãn và giữ nguyên nhóm nợ trước đó.
Quỳnh Trang