Theo khoản 2 Điều 12 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP), tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản trong 3 trường hợp sau:
- Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
- Khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.
>>Khi nào ngân hàng được phong tỏa tài khoản của khách vay tiền?
Khoản 2 Điều 17 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 02/2019/TT-NHNN) của Ngân hàng Nhà nước quy định ngay sau khi phong tỏa tài khoản thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thông báo (bằng văn bản hoặc theo hình thức thông báo đã thỏa thuận tại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và khách hàng mở tài khoản thanh toán) cho chủ tài khoản hoặc người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ tài khoản biết về lý do và phạm vi phong tỏa tài khoản thanh toán.
Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán phải được bảo toàn và kiểm soát chặt chẽ theo nội dung phong tỏa. Trường hợp tài khoản bị phong tỏa một phần thì phần không bị phong tỏa vẫn được sử dụng bình thường.
Như vậy, trường hợp có nhầm lẫn, sai sót thì ngân hàng phải thông báo cho khách hàng theo hình thức phù hợp và cũng chỉ được phép phong tỏa tương ứng với số tiền số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
Việc ngân hàng phong tỏa toàn bộ tài khoản (nếu số dư trên tài khoản khi đó lớn hơn số tiền bị nhầm lẫn, sai sót) của khách hàng là trái quy định.
Đối với việc nhân viên ngân hàng cho rằng bạn nộp thiếu 500.000 đồng và yêu cầu bạn nộp bổ sung khi bạn đã ký xong chứng từ (đủ số tiền) thì chúng tôi cho rằng ngay tại thời điểm đó ngân hàng có nghĩa vụ phải chứng minh việc thu tiền đã bị nhầm lẫn, sai sót (thông qua các video ghi lại thông qua hệ thống camera giám sát...). Nếu ngân hàng không chứng minh được thì lỗi thuộc về ngân hàng.
Tuy nhiên, việc bạn đồng ý nộp bổ sung và vụ việc không được lập biên bản ghi nhận sự việc, ý kiến của khách hàng (theo hướng bảo lưu quyền khiếu nại) thì chúng tôi cho rằng việc khiếu nại của bạn ở thời điểm này sẽ gặp khó khăn bởi nếu như trước đây, nghĩa vụ chứng minh (thu thiếu) thuộc về ngân hàng thì hiện nay nghĩa vụ chứng minh ngân hàng thu thừa lại thuộc về bạn.
Do vậy, bạn nên cân nhắc tính khả thi của vụ việc để có quyết định phù hợp.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội