Hoài Hương, nhân viên truyền thông của một ngân hàng cổ phần tâm sự, dưới áp lực phải giảm nợ xấu, không chỉ những người làm bên bộ phận xử lý nợ mới đau đầu mà ngay cả những bộ phận khác cũng khổ sở lây.
Trong năm qua, phòng truyền thông của cô cũng được giao trọng trách hỗ trợ cho phòng xử lý nợ trong việc "đòi nợ" và đây cũng được xem là chỉ tiêu để đánh giá xếp loại nhân viên. Cô kể, có một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nồi cơm điện, bếp điện... vay ngân hàng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tình hình kinh doanh khó khăn, hàng tồn đọng nhiều nên doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và nhất quyết không chịu thanh lý hàng hóa để trả nợ. Bởi doanh nghiệp cho rằng, thanh lý lúc này giá quá thấp, trong khi ngân hàng lo hàng để lâu lại càng xuống cấp và giảm giá trị.
Do đó, một mặt các cán bộ bên phòng xử lý nợ gặp khách hàng làm căng, còn nhân viên phòng truyền thông (được xem là khéo ăn nói) thì phải đến gặp doanh nghiệp và dùng lời lẽ ngọt nhẹ thuyết phục họ chấp nhận thanh lý hàng tồn để trả nợ. "Với phương pháp kết hợp 'vừa đấm, vừa xoa' cuối cùng đã giúp ngân hàng giải quyết được món nợ khó đòi", cô chia sẻ.
Tại một số ngân hàng nếu như doanh nghiệp nào có nợ quá hạn lâu, bị "nhảy nhóm" thì các chuyên viên tín dụng cũng bị thuyên chuyển bộ phận sang phòng thu hồi nợ hoặc giáng chức bất cứ lúc nào. "Do đó, những nhân viên tín dụng của chúng tôi lúc nào cũng hết sức thận trọng trong các hợp đồng cho vay", Thanh, một cán bộ tín dụng nói.
Ngoài ra, nhiều nhà băng cũng mạnh tay tăng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Như Eximbank trong năm 2014 trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 869 tỷ đồng, cao hơn gần 3 lần so với cùng kỳ. Còn VIB thậm chí đã dành tới 1.188 tỷ đồng trích lập chi phí dự phòng tín dụng.
Với sự quyết liệt trong xử lý nợ, hiện nay nợ xấu tại một số nhà băng đang có xu hướng giảm xuống. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng Á châu (ACB), cho biết, sau khoảng một năm có nợ xấu trên 3% (cuối quý III/2014 vẫn ở mức 3,07%), ACB đã giảm được khá mạnh, đưa nợ xấu về còn 2,1% vào cuối 2014.
Năm 2015, ông Toàn nêu định hướng ACB sẽ xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; quyết liệt trong công tác thu hồi nợ để xử lý nợ xấu; tiếp tục thực hiện phương án tái cấu trúc theo đề án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, từng bước áp dụng Basel 2.
Tại BDIV, đầu năm 2014 nợ xấu của nhà băng này là 2,37% thì đến 31/12/2014, giảm còn 1,8% nhờ đã thực hiện hoán đổi khoảng 6.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và xử lý 6.000 tỷ đồng nợ xấu khác.
Với ông lớn Vietinbank, nợ xấu cũng giảm mạnh từ 1,42% tại thời điểm cuối tháng 9 năm 2014, xuống còn 0,89% vào cuối năm 2014 chủ yếu do dư nợ tín dụng tăng cao. Hay như MB, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng đã giảm từ 3,09% (30/9/2014) xuống còn 2,73% (31/12/2014).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 17% vào tháng 9/2012 đến nay xuống còn khoảng 5,4% (theo báo cáo của các tổ chức tín dụng khoảng 3,8%). Và đến năm 2015 phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống tín dụng của Việt Nam về mức khoảng 3%, là mức bình thường trong kinh tế thị trường.
Mới đây, Thống đốc cũng đã ban hành chỉ thị số 02 về tăng cường xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, trong đó yêu cầu các nhà băng trước ngày 30/6/2015 phải giải quyết ít nhất 60% nợ xấu và phải bán được 75% số nợ dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015.
Trao đổi với VnExpress.net về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP HCM cho biết, kế hoạch đưa nợ xấu về mức 3% trong năm 2015 là khả thi.
Bởi theo ông Dũng, trong năm nay, các ngân hàng trên địa bàn sẽ tập trung vào ba phương án để xử lý nợ xấu gồm: dựa vào nguồn trích lập dự phòng; bán nợ cho VAMC và thanh lý tài sản đảm bảo. "Trong đó, phương án bán nợ cho VAMC là khả quan nhất và hiện tại các ngân hàng cũng đang tiến hành rà soát lại những khoản nợ để đẩy nhanh việc bán nợ cho tổ chức này", ông nói.
Lệ Chi