Với chủ đề "Hoạt động ngân hàng bán lẻ bình thường mới thích ứng, nhanh gọn, sáng tạo, tận dụng tối đa lợi thế số" tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ 2021 diễn ra hôm 25/3, nhiều chuyên gia hàng đầu, doanh nghiệp đã có những chia sẻ, bàn thảo sôi nổi về tương lai của ngân hàng bán lẻ Việt Nam.
Trong năm 2021, bất chấp những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ngành ngân có những bước tăng trưởng nhất định. Theo báo cáo kết quả kinh doanh, nhiều ngân hàng cho biết đã đạt được lợi nhuận ấn tượng, thậm chí trong 9 tháng đã đạt được 88% kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong năm. Mức lợi nhuận trung bình của các ngân hàng năm qua, ước tính, vào khoảng 35-50% tùy hoạt động của đơn vị.
Giới nhà băng đánh giá lợi nhuận trên phần nhiều đến từ dịch vụ ngân hàng bán lẻ và dịch bệnh cũng là cơ hội cho hoạt động ngân hàng bán lẻ thay đổi theo hướng thích ứng tốt hơn, hoạt động nhanh gọn hơn và tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ của ngân hàng. Tuy nhiên, để ngân hàng bán lẻ có thể giữ nhịp tăng trưởng trong điều kiện mới cần nhiều quyết sách từ cơ quan quản lý.
Là một trong số đơn vị ghi dấu ấn kinh doanh trong dịch bệnh, bà Vũ Phương Nga, Phó giám đốc, Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca cho rằng, để các đơn vị sống sót và phát triển trong bối cảnh đại dịch rất cần những chính sách của Chính phủ và các cơ quan quản lý. Bà Nga cho biết, hành vi của người tiêu dùng có sự chuyển dịch lớn khi họ ưu tiên thanh toán qua thẻ ngân hàng, ví điện tử hơn dùng tiền mặt. Trước bối cảnh này, Chính phủ đã có những chính sách thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong hai năm vừa qua. "Đây là những chất xúc tác giúp ví điện tử Moca cũng như các ngân hàng đạt được những sự tăng trưởng trong thời gian đại dịch", bà Nga nói.
Đồng tình với ý kiến này, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng hiện nay khung pháp lý gần như đã hoàn thiện để ngân hàng có thể mở rộng các sản phẩm dịch vụ của mình.Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều đợt điều chỉnh lãi suất điều hành giúp doanh nghiệp, ngân hàng có cơ hội mở rộng sản xuất. Các chính sách mới về cho vay qua phương tiện điện tử đang được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng để hỗ trợ ngân hàng bán lẻ trong thời gian tới.
Ngoài chính sách, các diễn giả đều cho rằng, trong một vài năm kế tiếp, ngành ngân hàng nói chung và hoạt động ngân hàng bán lẻ nói riêng sẽ tiếp tục phát triển theo những xu hướng chính, gồm: hoàn thiện quy định pháp lý theo hướng tinh giảm thủ tục ngân hàng; thúc đẩy phát triển tài chính số, ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt; gia tăng hợp tác, kết nối giữa ngân hàng với các dịch vụ thanh toán tạo thành hệ sinh thái tài chính; tăng cường đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để tái định vị kênh phân phối để tiết kiệm chi phí...
Chia sẻ về xây dựng hệ sinh thái, ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam cho rằng đây là xu hướng mang tính sống còn với các ngân hàng trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ sinh thái tràn lan, thiếu định hướng sẽ không mang lại hiệu quả.
Có kinh nghiệm trong hệ thống hạ tầng hệ sinh thái, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban dịch vụ cấp cao VNG Cloud cho rằng việc xây dựng hệ sinh thái hiện nay đã trở thành trào lưu mà mọi doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng bán lẻ chạy theo.
Song vị này lưu ý, việc xây dựng hệ sinh thái cần tránh dàn trải, đầu tư ồ ạt mà không hiểu tính chất cốt lõi. Để tránh được rủi ro, ngân hàng bán lẻ cần nghiên cứu, lựa chọn các đối tác công nghệ phù hợp. Bên cạnh đó, hệ sinh thái cần đồng nhất và có cơ chế quản trị rủi ro như bảo mật, quản lý dữ liệu nội bộ, dữ liệu khách hàng.
Ở góc độ doanh nghiệp đang tham gia sâu hệ sinh thái, bà Vũ Phương Nga khẳng định hệ sinh thái là một chiến lược quan trọng với các đơn vị trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. "Chúng tôi tin rằng hệ sinh thái đa dạng, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu hằng ngày của người dùng sẽ là cách tiếp cận khách hàng tốt nhất. Trong những năm qua, chúng tôi đã xây dựng hệ sinh thái Grab với mạng lưới đối tác đủ tốt. Bên cạnh đó, hệ sinh thái Moca cũng đang được hoàn thiện với hàng loạt đối tác là các đơn vị ngân hàng lớn trong cả nước. Việc mở rộng hệ sinh thái sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho người dùng và góp phần tạo nên chỗ đứng cho một đơn vị", bà Nga chia sẻ.
Hiện tại, Moca đang là giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho toàn bộ hệ sinh thái Grab và các sàn thương mại điện tử trực tuyến. Với sự hợp tác giữa Moca và Grab, Moca đã đạt được mức tăng trưởng ổn định cả về số lượng giao dịch không dùng tiền mặt qua Moca trên ứng dụng Grab lẫn số lượng người dùng mới. Trong đó, GrabFood và GrabMart - hai dịch vụ rất quan trọng giúp người dân mua thực phẩm, đi chợ, mua nhu yếu phẩm trong giai đoạn dịch, có tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt cao nhất.
Hoài Phương