"Tiết kiệm người cao tuổi" là sản phẩm tiền gửi dành riêng cho khách hàng từ 50 tuổi trở lên của Ngân hàng TMCP Bắc Á. Đại diện ngân hàng cho biết, sản phẩm là một giải pháp tài chính hiệu quả, bởi khách hàng không những nhận ưu đãi mà còn có tỷ lệ lãi suất khuyến khích (không giới hạn số lượng sổ được hưởng chính sách ưu đãi của một khách hàng). Khách hàng có thể lựa chọn kỳ hạn gửi phù hợp (từ 6 tháng trở lên) với mức tiền gửi tối thiểu chỉ 10 triệu đồng hoặc 500 USD.
Khách hàng có thể chủ động chi tiêu dựa trên khoản lãi tiền gửi nhờ phương thức trả lãi linh hoạt (theo tháng, quý hoặc cuối kỳ). Thấu hiểu tâm lý của khách hàng khi đối mặt với tuổi già, Bắc Á áp dụng tiện ích "chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm khi chưa đến hạn để bảo toàn lãi" để người gửi dễ dàng trao tặng người thân khi có nhu cầu.
"Tham gia sản phẩm này, khách hàng sẽ nhận dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp, tận tâm và đồng thời được áp dụng các chương trình khuyến mãi do Bắc Á triển khai thường xuyên", theo đại diện ngân hàng.
Cũng theo nhà băng, hiện đã có hàng trăm nghìn lượt khách sử dụng sản phẩm "Tiết kiệm người cao tuổi" của Bắc Á, với mức tăng trưởng ấn tượng qua các năm. Dịch vụ còn nhận giải thưởng "Sản phẩm ngân hàng sáng tạo tiêu biểu" do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG trao tặng năm 2016.
Theo khảo sát của Prudential và Viện Lão hóa toàn cầu, có đến 95% người Việt lo lắng về năng lực tài chính khi về già. Thu nhập giảm trong giai đoạn hưu trí, nguy cơ bệnh tật thường trực khiến chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao chính là những lý do chính khiến nhiều người cảm thấy bất an.
Báo cáo "Lấp đầy khoảng cách" thuộc chuỗi khảo sát "Tương lai hưu trí" do HSBC thực hiện năm 2018 cho biết chỉ có 1/4 người dân trên toàn thế giới thường xuyên tiết kiệm cho giai đoạn nghỉ hưu và trên 50% phụ nữ được hỏi lo lắng sẽ không đủ khả năng chi trả điều kiện sống cơ bản khi về già.
Từ quốc gia có cơ cấu dân số vàng, Việt Nam đang có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới (theo Ngân hàng Thế giới). Nếu như năm 2000, số lượng người bắt đầu nghỉ hưu là 500.000 người thì đến năm 2017 đã có khoảng một triệu người về hưu. Dự kiến đến năm 2035, con số này sẽ là 1,3 triệu người.
Tuy vậy, sự chủ động tài chính khi về già của người Việt dường như không có nhiều cải thiện qua các năm. Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thống kê gần 50% người cao tuổi ở Việt Nam sống dựa hoàn toàn vào con cái. Chỉ 29% người cao tuổi sống chủ yếu bằng lương hưu. Thế nhưng, theo Ban thực hiện Chính sách Bảo hiểm Xã hội, mức lương hưu bình quân ở Việt Nam hiện chỉ khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng - không đủ thể chi trả nhu cầu sống và chăm sóc y tế cơ bản.