Ba ngày trước, chính quyền Bắc Giang quyết định khôi phục dần hoạt động của bốn khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng. 340 công ty với 140.000 lao động sẽ sản xuất trở lại sau một tuần tê liệt vì dịch bùng phát.
35 tổ công tác của tỉnh đã đi kiểm tra 237 doanh nghiệp để đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại nhà máy và ký túc xá. Kết quả 35 đơn vị ít nguy cơ, 52 doanh nghiệp nguy cơ thấp, 44 nguy cơ trung bình, 5 nguy cơ cao và 1 công ty nguy cơ rất cao.
Theo kế hoạch, 8 doanh nghiệp mẫu sẽ trở lại sản xuất từ ngày 28/5, song trong chiều nay (28/5), chỉ có Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (KCN Vân Trung) được cấp phép hoạt động trở lại. Đây là đơn vị chủ động kế hoạch từ trước, có khu kí túc xá cho công nhân ở.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Giang, cho biết ban đang thẩm định hồ sơ, phương án sản xuất trở lại của các doanh nghiệp, an toàn mới cho hoạt động.
Doanh nghiệp cũng cần có thời gian cải tạo, đáp ứng các điều kiện chặt chẽ mà chính quyền đưa ra. Bởi theo quy định, doanh nghiệp phải có phương án đưa đón công nhân từ nơi cư trú về nơi ở tập trung; bố trí ký túc xá, xe đưa đón lao động; công nhân có xét nghiệm âm tính hai lần trong đó lần gần nhất một ngày trước khi quay lại nhà máy... Các công ty cũng chưa thể đón đủ lao động đang ở trong vùng phong tỏa hoặc cách ly tập trung.
Các đơn vị sẽ phải lập danh sách công nhân trong vùng cách ly, tỉnh chuyển về từng địa phương cho chính quyền kiểm tra công nhân đủ điều kiện mới được đón quay lại nhà máy. Bộ phận công nhân còn ở lại trong khu kí túc xá sẽ được xét nghiệm thêm một lần nữa, có kết quả âm tính và sẵn sàng trở lại làm việc.
"Với tiến độ này, dự kiến việc khôi phục cả bốn khu công nghiệp cũng phải mất một vài tuần, bởi doanh nghiệp phải an toàn mới có thể sản xuất lại. Nếu tình hình dập dịch khả quan hơn, tỉnh sẽ có biện pháp nới lỏng", ông Ngọc nói.
Chính quyền sẽ lên phương án cùng doanh nghiệp bố trí các tổ y tế cắm chốt trong nhà máy hoặc khu công nghiệp; cử lực lượng có chuyên môn hướng dẫn phòng dịch ban đầu, doanh nghiệp có thể thuê đơn vị y tế tư nhân hỗ trợ lâu dài.
Ngoài ra, Bắc Giang cũng yêu cầu các nhà xe đưa đón công nhân phải phun khử khuẩn trước và sau mỗi chuyến đi, có máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn. Mỗi xe chỉ được chở một nửa số ghế, công nhân ngồi giãn cách và mở cửa sổ thông thoáng dọc đường đi, không được mở điều hòa. Lái xe, phụ xe phải được xét nghiệm Covid-19, có kết quả âm tính lần gần nhất 3 ngày trước khi chuyên chở. Phương tiện phải dán biển hiệu "Xe đưa đón công nhân" cố định trên cửa kính trước và sau để phân biệt với các loại xe khách khác.
Bắc Giang ghi nhận ca nhiễm đầu tiên trong nhà máy hôm 8/5, nữ công nhân làm việc tại Công ty Shin Young thuộc Khu công nghiệp Vân Trung. Ngày 14/5, tỉnh này tiếp tục phát hiện thêm ổ dịch Công ty Hosiden thuộc Khu công nghiệp Quang Châu. Hai ổ dịch đã khiến Bắc Giang trở thành tâm dịch đợt này, ghi nhận tổng cộng 1.611 ca nhiễm, tính đến cuối ngày 27/5.
Bắc Ninh, điểm nóng dịch bệnh thứ nhì cả nước có 450.000 công nhân làm việc ở 10 khu công nghiệp tập trung và 26 cụm công nghiệp. Hơn 50.000 công nhân đang phải tạm nghỉ việc do liên quan đến các ổ dịch.
Ông Bùi Hoàng Mai, Giám đốc Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, cho biết chiến lược phòng dịch trong sản xuất của tỉnh chia làm hai giai đoạn. Ban đầu khi phát hiện dịch trong nhà máy, tỉnh yêu cầu doanh nghiệp giãn cách bằng phương án giảm nửa số công nhân, sau đó giảm xuống 20%, rồi 10% chứ không phải dừng hoạt động ngay để các doanh nghiệp đứt gãy chuỗi sản xuất. Theo ông, trong bối cảnh dịch ngày càng phức tạp thì "phương án như trên là tối ưu".
Giai đoạn tiếp theo từ 2/6, công nhân đi làm trở lại sẽ tổ chức cho ăn, ở tại nhà máy, khuyến khích thời gian tối thiểu 15 ngày. Ông Mai nói Ban đã nhận nhiều trăn trở của doanh nghiệp từ hạ tầng, quỹ đất, khó khăn trong công tác quản lý.
"Các phương pháp chống dịch ít ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp nhất đều đã được tỉnh đưa ra. Nguồn lây bây giờ rõ ràng từ bên ngoài vào trong nhà máy, nên chỉ còn phương án như vậy để giúp sản xuất được duy trì. Những doanh nghiệp nào không thực hiện được thì phải tạm dừng sản xuất, không còn cách nào khác", ông khẳng định.
Để phòng dịch quay lại khiến nhà máy phải đóng cửa, Bắc Ninh yêu cầu người lao động khai báo lịch trình hàng ngày, quét mã QR code khi đi, đến các địa điểm công ty, nơi ở trọ, các địa điểm công cộng... thông qua các phần mềm ứng dụng tại các điểm có mã QR code.
Trong nhà máy, công nhân được chia thành từng nhóm, có tổ An toàn Covid quản lý. Với công nhân ở trọ, công an khu vực sẽ thường xuyên xuống kiểm tra, hạn chế ra ngoài kể cả đi mua hàng hoá thiết yếu, nếu có nhu cầu đặt qua chủ nhà trọ và tổ Covid cộng đồng. Chính quyền yêu cầu doanh nghiệp bố trí công nhân làm việc theo ca kíp. Lao động được phân luồng theo nguyên tắc ở cùng khu ký túc xá, khu trọ thì bố trí cùng phân xưởng để giảm thiểu tối đa việc lây nhiễm khi có ca dương tính.
Khi có ca nhiễm trong nhà máy, hàng loạt biện pháp phản ứng nhanh sẽ được kích hoạt. Các phân xưởng sẽ tạm ngừng hoạt động để khoanh vùng, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm. Các F1 là người nước ngoài sẽ đưa đi cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh hoặc tại các cơ sở các ly có trả phí (khách sạn, nhà nghỉ...) để phù hợp với sinh hoạt và ngôn ngữ, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Với F2, ngành y tế quyết định việc giữ lại công ty hay cho về nơi cư trú. Nếu công nhân có thể về nơi cư trú, chính quyền yêu cầu doanh nghiệp bố trí xe đưa về nhà tự cách ly. Nếu đi xe cá nhân phải ký cam kết không được tiếp xúc trong quá trình di chuyển về nhà cách ly.
Về lâu dài, hai tỉnh đều chủ trương tiêm vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp. Bắc Ninh dự kiến tiêm cho 90.000 công nhân, trong khi con số này ở Bắc Giang là 150.000 người.
Hoàng Phương - Gia Chính