Mọi chi tiết của chiếc ngai vàng, từ kích thước tới những điểm chạm khắc tinh xảo hay hình ảnh "long vân khánh hội" tôi đều từng tự tay khảo tả để đưa vào hồ sơ. Vì vậy, tôi rất sốc và buồn lòng khi nghe tin về sự cố nghiêm trọng này.
Dư luận cũng bức xúc lên án kẻ phá hoại; chê trách nhân viên bảo vệ lơ là để hắn lẻn vào chính điện thực hiện hành vi phạm pháp, và chậm chạp trong việc khống chế. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm do việc quản lý và bảo vệ bảo vật quốc gia rất lỏng lẻo.
Theo tôi, nhân viên bảo vệ đã thiếu kinh nghiệm và sai sót khi không nhận thức đầy đủ mức độ nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần của khách tham quan, nên không theo sát, để anh ta có cơ hội lọt vào chính điện, trèo lên ngai vàng và phá phách.
Nhưng khi đối tượng đã quậy phá, cầm vật cứng (có thể là bộ phận của ngai vàng sau khi bị bẻ gãy) trong trạng thái rất manh động, thì họ đã xử trí phù hợp: dẫn dụ đối tượng rời khỏi khu vực trưng bày nhiều cổ vật quý. Nội thất điện Thái Hòa còn có bốn thống sứ thời Nguyễn, hai độc bình thời Minh, hai độc bình sứ ký kiểu triều Khải Định (hiệu đề Tân Dậu niên tạo - 1921).
Đây đều là những cổ vật quý hiếm và độc bản (xem ảnh). Nếu lao vào khống chế đối tượng "ngáo đá" đang cầm vật cứng khi không có công cụ hỗ trợ và không được huấn luyện chuyên nghiệp, nhân viên bảo vệ có thể gặp nguy hiểm, du khách bị đe dọa, và nguy cơ nhiều cổ vật quý khác trong điện Thái Hòa cũng bị phá hủy sẽ càng cao.
Vì vậy, việc hai bảo vệ "không xử lý ngay" mà "dẫn dụ" đối tượng ra khỏi khu vực có nhiều cổ vật, gọi thêm người hỗ trợ, chờ khi đối tượng sơ hở mới xử lý là giải pháp tốt nhất.
Tôi cũng nhận thấy nhiều ý kiến chất vấn "vì sao không lắp thiết bị bảo vệ ngai vàng, như tủ kính cường lực chẳng hạn?".
Tuy nhiên, trưng bày hiện vật trong chính điện Thái Hòa, cũng như trong điện thờ các vua là hình thức "tái hiện lịch sử" nên hiện vật trong các di tích này luôn được trưng bày giống như đã được bài trí, thờ tự trước đây. Vì thế không thể để ngai vàng trong tủ kính cường lực.
Tôi đã đi thăm cung điện của hoàng đế nhà Thanh ở Cố cung Bắc Kinh; thăm tẩm thờ các vua nhà Minh trong Minh thập tam lăng ở ngoại ô Bắc Kinh; thăm cung điện các vua triều Joseon ở Gyongbokgung và Changdoekgung ở Seoul; thăm cung điện của Thiên hoàng Nhật Bản ở Kyoto; thăm cung điện của vương triều Sho tại kinh thành Shuri của vương quốc Ryukyu (Lưu Cầu) ở Okinawa, thăm cung điện Potsdam của vua Phổ ở vùng Brandenburg, thăm cung điện Versailles của vua Pháp ở ngoại ô Paris... Tôi nhận thấy: không nơi nào sử dụng tủ kính cường lực để bảo vệ ngai vàng của các bậc đế vương cả.
Việc ngai vua triều Nguyễn được trưng bày mà không có tủ kính bảo vệ, cũng tương tự hình thức trưng bày ở những nơi mà tôi đã viếng thăm trên đây, hoàn toàn hợp lý và hợp lệ.
Vậy thì nên có giải pháp nào để tránh các trường hợp như đã xảy ra với ngai vàng triều Nguyễn?
Theo tôi, nên làm như các địa điểm mà tôi đã dẫn chứng trên đây, là không cho du khách thâm nhập vào nội điện Thái Hòa, mà giữ khách ở bên ngoài, mở ba ô cửa lớn ở mặt tiền điện Thái Hòa để du khách đứng trên thềm tiền điện Thái Hòa, có hàng rào ngăn cách, và nhìn vào bên trong. Tương tự với Thế Miếu và những điện thờ các vua ở các lăng.
Tất cả cung điện mà tôi từng tham quan ở các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp... nói trên đều giữ khách ở bên ngoài các chính điện trong hoàng cung của họ.
Vì vậy, Trung tâm Bảo tồn di sản Cố đô Huế nên tổ chức lại tuyến tham quan trong nội thất điện Thái Hòa, và cả Thế Miếu, thành tuyến tham quan bắt đầu từ bậc thềm tiền điện, đi vào chái hữu của điện Thái Hòa, dẫn ra hậu điện rồi ra ngoài, không cho du khách thâm nhập nội thất chính điện.
Sau cùng, nên áp dụng cách thức mà cung điện Potsdam, cung điện Versailles... và nhiều bảo tàng trên thế giới áp dụng: đó là dùng cảm biến (sensor) để kiểm soát du khách cố tình thò tay, thò đầu qua vạch/ dây/ hàng rào ngăn cách khu vực tham quan với khu vực trưng bày. Nếu có du khách nào thò tay hay thò đầu qua vạch thì cảm biến sẽ phát thanh báo động để cảnh báo du khách dừng lại, và nhân viên bảo vệ lập tức có mặt để can thiệp. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng du khách đột nhập vào khu vực cấm mà nhân viên bảo vệ không biết, như đã xảy ra.
Trần Đức Anh Sơn