Nhật và Hàn Quốc là hai nước châu Á vốn phải đối mặt với những thay đổi nghiêm trọng về nhân khẩu học. Khi Covid-19 xảy ra, nỗ lực khuyến khích người dân lập gia đình của các nhà hoạch định chính sách càng gặp khó khăn.
"Những hạn chế về mặt kinh tế như mất việc làm sẽ làm tăng số người trẻ ngại kết hôn và sinh con", ông Hideo Kumano từ Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life nhận định.
Dữ liệu của Bộ Y tế Nhật Bản cho thấy tháng 5/2020, nước này ghi nhận 32.544 cuộc hôn nhân mới. Con số này giảm 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái khi nhiều người muốn kết hôn trùng với thời điểm thay đổi niên hiệu (do Nhật Hoàng mới lên ngôi) và giảm hơn 30% so với tháng 5/2018.
Tại Hàn Quốc, số đơn đăng ký kết hôn vào tháng 4/2020 giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2019, tỷ lệ sinh của Nhật chạm mức thấp nhất trong 12 năm. Một quan chức Bộ Y tế nước này cảnh báo con số sẽ tiếp tục giảm trong năm nay và năm sau.
Hiện trạng trên không chỉ xuất hiện ở châu Á. Viện nghiên cứu Brookings ở Washington dự đoán số em bé chào đời tại Mỹ vào năm 2012 có thể giảm từ 300.000 đến 500.000 so với năm 2020, tương đương 10% số ca sinh nở trung bình hàng năm của nước này.
"Cuộc suy thoái nghiêm trọng và kéo dài đồng nghĩa với việc thu nhập cả đời giảm. Một số phụ nữ không những trì hoãn việc sinh con mà còn quyết định sinh ít đi", báo cáo của Viện nghiên cứu Brookings viết.
Cũng theo báo cáo này, tỷ lệ sinh thường giảm trong các cuộc khủng hoảng kinh tế. Ví dụ, khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến số trẻ em chào đời ở Mỹ giảm 400.000.
Người trẻ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Khảo sát trực tuyến của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy hơn 17% người từ 18 đến 29 tuổi trên thế giới không làm việc từ khi đại dịch bùng phát. Những người giữ được công việc cũng làm ít hơn 23% thời lượng cũ, dẫn đến thu nhập giảm.
"Đại dịch này là cuộc khủng hoảng 100 năm mới có một và hệ quả của nó có thể kéo dài nhiều thập niên tới", giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá. Thời gian phát triển vaccine càng kéo dài, hoạt động kinh tế càng bị đình trệ.
Ở các nước đang phát triển, hệ thống chăm sóc sức khỏe bị Covid-19 đè nặng khiến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương càng gặp nguy hiểm. Quỹ Nhi đồng của Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo trong sáu tháng tới, số trẻ dưới năm tuổi tử vong vì các bệnh có thể phòng tránh được sẽ lên tới 1,2 triệu vì thiếu nguồn lực y tế.
Một nghiên cứu của Đại học Washington dự đoán dân số toàn cầu sẽ đạt 9,7 tỷ vào thập niên 2060, sau đó giảm còn khoảng 8,8 tỷ vào cuối thế kỷ. Đại dịch có thể đẩy nhanh sự suy giảm này, dù tốt cho môi trường nhưng lại dẫn đến tình trạng thiếu nguồn lao động. Để thúc đẩy kinh tế, con người sẽ phải trông chờ vào công nghệ.
Thu Nguyệt (Theo Nikkei)