"Tôi không cho rằng triệu hồi đại sứ là hành động cuối cùng của Nga nếu không có lời giải thích hay xin lỗi nào từ Mỹ", Konstantin Kosachyov, phó chủ tịch Thượng viện Nga, hôm nay cho hay. "Một chính khách cấp cao như vậy không nên đưa ra đánh giá như thế. Loại phát biểu này là không chấp nhận được trong bất kỳ hoàn cảnh nào".
Bình luận được đưa ra sau khi cuộc phỏng vấn được ABC News phát sóng hôm 17/3, trong đó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin "sẽ phải trả giá" vì can thiệp bầu cử Mỹ. Khi được hỏi liệu ông có cho rằng Putin, người bị cáo buộc đầu độc đối thủ chính trị, là "kẻ giết người", Biden đáp: "Tôi có".
Theo Kosachyov, bình luận của Biden chắc chắn sẽ khiến quan hệ song phương tồi tệ hơn và chấm dứt mọi hy vọng của Moskva rằng chính sách của Mỹ sẽ thay đổi dưới thời chính quyền mới. Ông cũng nói rằng Nga triệu hồi đại sứ tại Mỹ là bước đi hợp lý duy nhất cần thực hiện trong tình huống này.
Phát ngôn viên Điện Kreamlin Dmirty Peskov hôm nay nói phát biểu của Tổng thống Mỹ "rất tệ". "Rõ ràng ông ấy không muốn đưa mối quan hệ với đất nước chúng tôi đi đúng hướng", Peskov nói, song từ chối bình luận liệu Nga có dự định cắt quan hệ với Mỹ.
Trong khi đó, Artur Chilingarov, nghị sĩ tại Hạ viện Nga, kêu gọi "phản ứng cứng rắn" sau bình luận của Biden.
Thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny hồi tháng 8/2020 bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ Siberia đến Moskva, sau đó được đưa tới Berlin, Đức, để điều trị. Các nước phương Tây cáo buộc Nga "đầu độc" Navalny bằng chất độc Novichok thời Liên Xô, nhưng Moskva nhiều lần bác bỏ.
Điện Kremlin cũng bác bỏ cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2020. Nga từng bị Mỹ cáo buộc can thiệp bầu cử năm 2016 thông qua chiến dịch mạng xã hội có lợi cho Trump, trong khi làm mất uy tín đối thủ Hilary Clinton. Moskva phủ nhận mọi cáo buộc.
Mỹ đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt Nga vì cáo buộc đầu độc và can thiệp bầu cử. Khi được hỏi Nga sẽ đối mặt những hậu quả gì, Biden trả lời: "Các bạn sẽ thấy ngay thôi".
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)