Thủ tướng Nga Vladimir Putin khẳng định lòng tin vào đồng euro. Ảnh: AFP. |
Hôm qua, Nga lên tiếng bảo vệ đồng euro sau những tin đồn về việc các ngân hàng trung ương như Nga, Iran đang dần thoái vốn khỏi euro. Thủ tướng Vladimir Putin khẳng định nước này, vốn có đồng euro chiếm đến 40% kho dự trữ ngoại tệ, tin tưởng vào đồng tiền chung châu Âu và chắc chắn rằng cuộc khủng hoảng hiện tại chỉ là tạm thời.
"Nếu không tin tưởng vào đồng euro, chúng tôi đã chẳng nắm giữ một khối lượng khổng lồ loại tiền này như thế", ông nói. Cho đến nay, EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Moscow. Bản thân Nga cũng bị ảnh hưởng mạnh trong suy thoái toàn cầu, với kinh tế thụt lùi 7,9% trong năm ngoái. Tuy nhiên, Nga vẫn xoay xở được để tránh một kết cục như Hy Lạp. Trong kho dự trữ của nước này chủ yếu là euro và USD, còn lại khoảng 10% đồng bảng Anh và hơn 1% yen Nhật.
Tuy nhiên, tuyên bố của Nga vẫn không thể cứu vãn được đà đi xuống của đồng tiền chung châu Âu. Lần đầu tiên trong suốt 4 năm, đồng tiền chung châu Âu đã xuống mức 1,19 USD. Cuối ngày hôm qua, giá có lúc chập chững vượt 1,2 USD những đến sáng nay mỗi euro chỉ còn tương đương 1,196 USD.
Cùng lúc đó, tâm điểm mới của dịch cúm nợ châu Âu là Hungary hôm qua hứa sẽ hoàn thành mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách xuống còn 3,8% như đã cam kết với IMF và EU. Trước đó, hôm thứ ba, nước này công bố một loạt chương trình hành động để giảm thâm hụt ngân sách. Trong đó, biện pháp tăng thuế thu nhập lên 16%, cùng với thuế ngân hàng được kỳ vọng sẽ đem lại 200 tỷ forint, tương đương 700 triệu USD. Một loạt chính sách tiết kiệm khác cũng có thể thu về thêm 120 triệu forint.
Khách hàng Hungary rút tiền tại các máy rút tiền tự động của ngân hàng lớn nhất Hungary OTP Bank tại Budapest hôm 7/6. Chính phủ nước này đã ra một loạt chính sách cứng rắn để giảm thâm hụt ngân sách, theo yêu cầu của IMF và EU. Ảnh: AFP |
Những chính sách này không hoàn toàn nhận được sự ủng hộ của số đông dân chúng, nhất là những người nghèo. Còn tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch thì cho rằng chúng chỉ đem lại hiệu quả phần nào.
Trong một báo cáo mới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED cho biết trong tháng 5, các hoạt động kinh tế, bao gồm chi tiêu tiêu dùng và doanh nghiệp, thị trường lao động có đi lên. Nhưng những lo lắng mới nảy sinh về châu Âu đã kìm hãm phần nào lòng tự tin của giới doanh nghiệp đầu tư. Cùng lúc đó, lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Những báo cáo là cơ sở để FED tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục thêm một thời gian nữa.
Tuy nhiên, báo cáo của FED vẫn quá khiêm tốn so với những gì các nhà đầu tư kỳ vọng. Sau khi công bố báo cáo, đã tăng giá của thị trường dầu thô ngay lập tức bị kìm hãm. Trước báo cáo của FED, giá có lúc tăng mạnh 3,6%, vượt 74 USD một thùng. Đến phiên giao dịch tại châu Á sáng nay, mỗi thùng chỉ còn 73,98 USD.
Theo một báo cáo mới đưa ra sáng nay, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 5% trong 3 tháng kết thúc vào ngày 31/3, nối tiếp 3 quý đi lên liên tục trước đó. Tốc độ này cải thiện chút ít so với tỷ lệ 4,9% của quý 4/2009, và tốt hơn nhiều so với dự đoán 4,2% của các nhà phân tích. Thành tích này có được chủ yếu nhờ xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng trong nước đi lên. Báo cáo đã giúp chỉ số chứng khoán Nikkei có thêm 0,2% điểm tính đến 10h07 theo giờ Tokyo. Tin tức từ Nhật khiến các nhà đầu tư thêm tin tưởng vào đồng yen. Một USD chỉ còn đổi được 91,32 yen thay vì 91,44 yen vào chiều qua.
Thanh Bình