Do đâm phải đống cát nhà dân đang xây dựng đổ chiếm hết lòng đường dẫn đến bị chấn thương nặng, cháu bạn đã bị xâm phạm về sức khỏe và tài sản, tức chiếc xe đạp điện bị hỏng do ngã.
Theo khoản 1 Điều 584 BLDS 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Theo quy định nói trên, đối với trường hợp này, chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản gây thiệt hại cho cháu bạn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo đó trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định như sau:
"Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
4. Thiệt hại khác do luật quy định.
Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."
Bạn có thể dựa trên quy định nên trên để tính chi phí thiệt hại để yêu cầu bên xâm phạm phải bồi thường. Trường hợp bên xâm phạm không bồi thường hoặc hai bên không thể thỏa thuận, thống nhất được chi phí bồi thường thì bạn có thể khởi kiện đòi bồi thường tại tòa án có thẩm quyền.
Ngoài ra, hành vi đổ trái phép vật liệu xây dựng chất phế thải làm ảnh hưởng đến giao thông đường bộ thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân theo điểm c khoản 2, điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Để xử phạt người vi phạm trong trường hợp này bạn có thể báo hành vi vi phạm với lực lượng cảnh sát giao thông tại địa phương để họ có thể tiến xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, trường hợp xác định tỉ lệ thương tổn thương cơ thể của cháu bạn lên đến 61%, người gây thiệt hại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại khung 1 tội Cản trở giao thông đường bộ.
Theo đó, người đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội