Nhóm chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu ngôn ngữ, văn học và lịch sử Khakassian kiểm tra mẫu ngà voi tìm thấy năm 1988 trong dự án xây dựng ở hạ nguồn sông Tom phía tây Siberia. Chiếc ngà dài 1,5 mét có hình khắc một người giả dạng lạc đà, theo tác giả nghiên cứu Yury Esin. Đây có thể là cách các thợ săn cổ đại trùm da lạc đà để tới gần mồi săn và bắt hoặc giết chúng.
Một hình khắc khác trên chiếc ngà hơn 13.000 năm tuổi là cảnh hai đôi lạc đà đọ sức có thể đánh dấu mùa giao phối bắt đầu. Những con lạc đà trong hình khắc có nhiều nét tương đồng với hình lạc đà trong các hang động cùng thời như bức vẽ trong hang động Kapova trên dãy Ural có niên đại 19.000 năm.
Các hình khắc bộc lộ tầm quan trọng của lạc đà đối với cộng đồng địa phương. Nhóm nghiên cứu suy đoán hoạt động săn lạc đà có thể diễn ra theo mùa và cộng đồng tạo ra hình khắc nhiều khả năng là dân du mục cổ đại sống ở Siberia ngày nay.
Xác định hình khắc không phải công việc dễ dàng đối với Esin và cộng sự bởi khi họ bắt đầu nghiên cứu chiếc ngà, mẫu vật đã bắt đầu vỡ và có nhiều vết nứt do bảo quản không đúng cách. Hình khắc trên chiếc ngà ở sông Tom có nhiều điểm đặc biệt rất khó ghi chép lại. Các hình khắc có đường nét khá mỏng và nông gần như không thể nhìn rõ. Ngoài ra, hình khắc nằm trên bề mặt vật thể nặng và dài uốn cong cũng khiến việc nghiên cứu càng thêm thách thức. Nhóm nghiên cứu phải chụp nhiều bức ảnh rộng cận cảnh để xác định những gì người cổ đại mô tả. Họ công bố phát hiện trên tạp chí Archaeological Research in Asia.
An Khang (Theo New Scientist)