Mặc dù được ca ngợi là một bước đột phá tiềm năng, phải sau một tuần nữa, thỏa thuận chấm dứt chiến sự ở Syria, đạt được từ cuộc đàm phán giữa các cường quốc ở Munich hôm qua, mới có hiệu lực.
Nga nói rằng họ sẽ không dừng các cuộc không kích, ngay cả khi thỏa thuận được áp dụng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow sẽ tiếp tục ném bom nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và nhóm Nusra Front, có liên kết với al-Qaeda. Hai lực lượng này đều không nằm trong thỏa thuận.
Trong khi đó, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua cáo buộc Nga nhắm mục tiêu vào các trường học và bệnh viện ở Syria. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Moscow phần lớn tấn công vào các nhóm đối lập chứ không phải IS. Ông cho rằng Nga phải ngừng hành động này thì thỏa thuận hòa bình mới đạt được hiệu quả. Anh và Pháp cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP khi cuộc đàm phán đang diễn ra, Assad tuyên bố ông sẽ tiếp tục chiến đấu chống khủng bố và sẽ chiếm lại toàn bộ đất nước, mặc dù có thể mất một thời gian dài. "Sẽ là vô lý nếu chúng tôi phải từ bỏ bất kỳ nơi nào", ông nói. Lập trường của ông khiến nhiều bên nghi ngờ liệu thỏa thuận đình chiến có thể được thực hiện nghiêm túc và toàn diện hay không.
Thỏa thuận đình chiến không được coi là lệnh ngừng bắn chính thức, vì nó không được ký bởi các bên tham chiến chính, gồm phe đối lập và lực lượng chính phủ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận kế hoạch này là khá tham vọng và thành công của nó còn phụ thuộc vào việc những lực lượng mặt đất có tôn trọng cam kết hay không.
Ngoại trưởng Kerry cũng nhấn mạnh xung đột ở Syria không nhất thiết phải kết thúc trong tương lai gần. Bản thỏa thuận chỉ đơn thuần giúp tạm dừng cuộc chiến để đưa viện trợ nhân đạo tới Syria. Ngoài ra, ông cho hay các phiên đàm phán hòa bình giữa lực lượng phiến quân đối lập và chính quyền Syria sẽ được tái khởi động ở Geneva, Thụy Sĩ, trong thời gian sớm nhất có thể.
Phương Vũ