Binh sĩ Gruzia ngồi nghỉ trên tháp pháo xe tăng. Ảnh: AP. |
Điều khoản quan trọng nhất trong kế hoạch ngưng bắn là kêu gọi tất cả các lực lượng liên quan trở về vị trí cũ, như trước khi chiến sự bùng nổ đêm 7/8. Tuy nhiên, Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili cho rằng một số chi tiết trong kế hoạch là không thể chấp nhận. Nhà trung gian hòa giải Pháp cũng thừa nhận sẽ còn nhiều khó khăn phía trước.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, nước đang giữ ghế chủ tịch luân phiên của EU, thay mặt liên minh châu Âu công du hai nước tìm giải pháp cho cuộc xung đột. Ông dành gần trọn ngày hôm qua ở Matxcơva để bàn thảo với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev về kế hoạch ngưng bắn, trước khi bay sang Tbilisi với sứ mệnh tương tự với Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili.
Ông Sarkozy có cuộc họp báo chung với cả tổng thống Nga và Gruzia ở mỗi nước, sau khi các cuộc gặp kín kết thúc. Tại các cuộc họp báo này, cả ông Medvedev và Saakashvili đều tuyên bố đồng ý trên nguyên tắc với tổng thống Pháp về kế hoạch ngưng bắn gồm 5 điểm do EU đề xuất. Nhưng tổng thống Gruzia nói thêm, ông không thấy có lý do để đặt bút ký vì đây chỉ là "tài liệu chính trị".
Kế hoạch ban đầu do Pháp đề xuất có 6 điểm, nhưng cả ba nhà lãnh đạo Nga, Gruzia và Pháp sau đó thống nhất xóa đi điểm thứ sáu, đó là việc tổ chức các cuộc bàn thảo quốc tế về vị thế tương lai của hai vùng đất ly khai Nam Ossetia và Abkhazia. Tổng thống Gruzia nhấn mạnh: "Sự toàn vẹn lãnh thổ và việc Nam Ossetia và Abkhazia thuộc về Gruzia là điều không bao giờ có thể nghi ngờ".
Nội dung của bản kế hoạch ngưng bắn giữa Nga và Gruzia sẽ được các ngoại trưởng của EU xem xét trong ngày hôm nay tại Brussels, Bỉ, trước khi nó được đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trước đó vào chiều qua, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố ngừng chiến dịch tấn công Gruzia sau hơn 5 ngày giao tranh. Ông cho rằng, mục tiêu của Nga đã đạt được và "kẻ xâm lược đã bị trừng phạt đích đáng". Các nhân chứng cũng xác nhận việc Nga đang rút quân khỏi các vùng chiến sự.
Dù có các nỗ lực ngoại giao quốc tế và dấu hiệu rút quân, Nga và Gruzia vẫn lời qua tiếng lại với nhau gay gắt. Điều này cho thấy con đường đi đến hòa bình giữa hai bên sẽ còn dài và đầy chông gai. Tổng thống Gruzia Saakashvili trong bài phát biểu ngay sau khi Nga ngừng đánh phá đã nhấn mạnh, nước này sẽ giữ quan điểm chống Nga và gọi quân đội Nga tại Nam Ossetia và Abkhazia là "lực lượng chiếm đóng".
Cuộc chiến vừa qua khiến khoảng 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa và gây ra căng thẳng gay gắt trong quan hệ quốc tế. Mỹ hôm qua tuyên bố hủy cuộc tập trận hải quân thường niên với Nga do cuộc xung đột tại Gruzia. Theo lịch trình cuộc diễn tập chung này sẽ diễn ra trong tuần này tại vùng biển Nhật Bản.
Một số nước, gồm Mỹ là đồng minh thân cận của Gruzia, đã chỉ trích gay gắt hành động quân sự của Nga. Phản ứng về tuyên bố ngừng chiến dịch của Matxcơva hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cho rằng điều cốt yếu vào lúc này là tất cả các bên phải chấm dứt hoàn toàn giao tranh.
Bản đồ chiến sự Nga - Gruzia. Đồ họa: BBC. |
Cuộc chiến tranh bùng nổ từ đêm 7/8, khi quân đội Gruzia bất ngờ tấn công tổng lực nhằm tái chiếm Nam Ossetia. Vài giờ sau, Matxcơva động binh và giành lại quyền kiểm soát thủ phủ Tskhinvali từ tay Gruzia. Sang ngày 10/8, Gruzia tuyên bố rút toàn bộ quân khỏi Nam Ossetia và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.
Một ngày sau, lửa chiến tranh tại Nam Ossetia đã lan rộng sang Abkhazia, một vùng ly khai khác của Gruzia. Nga bổ sung thêm hàng nghìn quân và các loại xe bọc thép đến vùng đất này và lần đầu tiên cho bộ binh tiến vào lãnh thổ Gruzia, đẩy Tbilisi một lúc phải đối mặt với hai mặt trận.
Ossetia nằm ở phía bắc Gruzia và phía nam nước Nga được chia thành hai phần: Bắc Ossetia là nước cộng hòa thuộc Nga còn Nam Ossetia vốn thuộc Gruzia, nhưng ly khai cùng với Abkhazia kể từ sau cuộc xung đột 1991-1992. Nam Ossetia tuyên bố độc lập nhưng không được bất cứ quốc gia nào trên thế giới công nhận.
Gruzia luôn coi Nam Ossetia và Abkhazia là phần lãnh thổ của mình. Matxcơva không công nhận chính quyền tự xưng tại hai nơi này đây, nhưng cấp quy chế quốc tịch cho hầu hết dân số của họ. Người dân địa phương cũng chủ yếu sử dụng đồng rúp của Nga trong tiêu dùng.
Đình Chính (theo BBC, AP, Ria Novosti)