"Qua một vòng đàm phán trực tuyến, hai bên đã quyết định tổ chức vòng đàm phán trực tiếp tiếp theo tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28-30/3", David Arakhamia, nhà đàm phán Ukraine hôm nay viết trên Facebook. Ông không tiết lộ chính xác hai phái đoàn sẽ gặp nhau ở đâu tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky xác nhận sự kiện sẽ diễn ra nhưng đưa ra khung thời gian khác, nói rằng hoạt động sẽ bắt đầu vào 29/3 và kết thúc ngày 30/3.
Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng đã tiếp đón Ngoại trưởng Nga và Ukraine tới đàm phán tại thị trấn nghỉ dưỡng Antalya. Cuộc thảo luận không đạt đột phá nhưng Ankara coi việc nó diễn ra đã là một thành công.
Phái đoàn Nga và Ukraine đã tổ chức ba vòng đàm phán trực tiếp tại Belarus và sau đó tiến hành thảo luận trực tuyến. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuần này nói Nga và Ukraine dường như đã đạt thỏa thuận về 4 vấn đề chủ chốt trong đàm phán, bao gồm cả ngôn ngữ. Moskva nhiều năm qua cáo buộc cộng đồng nói tiếng Nga ở Ukraine bị phân biệt đối xử và coi đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 25/3 cho biết các cuộc đối thoại với Moskva "gặp nhiều khó khăn" do bất đồng trong các vấn đề then chốt, khẳng định Kiev sẽ không nhượng bộ.
Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2 và giao tranh đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đà tiến của quân đội Nga thuận lợi nhất ở vùng duyên hải phía nam Ukraine, khi kiểm soát được thành phố lớn Kherson và một số mục tiêu nhỏ hơn như Melitopol. Moskva cũng đẩy mạnh không kích mục tiêu ở phía tây Ukraine từ giữa tháng 3. Nhiều nước phương Tây đã cấp tập chuyển vũ khí hiện đại, với hàng nghìn tên lửa chống tăng và phòng không, cho Ukraine, chủ yếu qua cửa ngõ ở phía tây nước này.
Hôm 25/3, quân đội Nga cho biết đã gần hoàn thành giai đoạn đầu chiến dịch ở Ukraine và sẽ "tập trung giải phóng" khu vực Donbass ở miền đông. Lãnh đạo vùng ly khai Lugansk hôm nay nêu khả năng tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga. Bộ Ngoại giao Ukraine nói rằng bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào của vùng ly khai cũng bị coi là "không có giá trị pháp lý".
Hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk, gọi chung là vùng Donbass, đã tách khỏi kiểm soát của chính phủ Ukraine vào năm 2014 và tự tuyên bố là "cộng hòa nhân dân" độc lập. Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai vùng này hôm 21/2.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters)