Phát biểu tại cuộc họp báo ở Moskva ngày 16/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc những nước cam kết cung cấp xe tăng và vũ khí hạng nặng cho Ukraine "không quan tâm đến mạng sống của người Ukraine và chỉ muốn gây tổn hại cho Nga". Theo ông, những vũ khí đó sẽ không thay đổi kết quả của cuộc xung đột.
"Những xe tăng đó có thể bị thiêu rụi, cũng như những loại vũ khí khác mà họ đã cung cấp cho Ukraine", Peskov nói.
Theo ông, Nga phản đối các chuyến vũ khí đã được lên kế hoạch và coi chúng là bằng chứng cho thấy các quốc gia cung cấp "đang sử dụng Ukraine như công cụ để đạt mục tiêu chống Nga".
NATO và một số quốc gia thành viên đã cam kết cung cấp vũ khí hạng nặng hơn cho Ukraine. Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuần trước cho biết London sẽ chuyển cho Ukraine 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 trong vài tuần tới, tiếp theo là 30 pháo tự hành AS90, trong khi Mỹ, Pháp và Đức cam kết cung cấp xe chiến đấu bộ binh. Ba Lan cũng bày tỏ ý định gửi xe tăng Leopard do Đức sản xuất tới nước này, dù Berlin cảnh báo động thái như vậy mà không có sự đồng ý của họ sẽ vi phạm thỏa thuận xuất khẩu vũ khí.
Các quốc gia cung cấp sẽ nhóm họp ngày 20/1 tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Đức. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng "những cam kết cung cấp thiết bị chiến tranh hạng nặng gần đây" cho Ukraine là rất quan trọng và ông mong đợi nhiều lô vũ khí hơn nữa sẽ được chuyển cho Kiev trong tương lai gần.
Challenger 2 là mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực được Anh đưa vào biên chế năm 1994. Challenger 2 đã được kiểm nghiệm qua thực chiến trong các cuộc xung đột ở Bosnia và Herzegovina, Kossovo, Iraq.
Dòng xe tăng chiến đấu chủ lực này được trang bị pháo chính cỡ nòng 120 mm, súng máy đồng trục và súng máy 7,62 mm trên tháp pháo. Tháp pháo và một phần thân xe được trang bị giáp phức hợp Chobham, có khả năng chống chịu nhiều loại vũ khí chống tăng hiện đại.
Huyền Lê (Theo RT, AFP)