"Lãi suất cơ bản được tăng lên nhằm ổn định tình hình trên thị trường tiền tệ. Theo quan điểm của chúng tôi, thời kỳ khủng hoảng đó đã qua. Đồng rúp đang mạnh lên", Reuters dẫn lời Anton Siluanov, Bộ trưởng Tài chính Nga cho hay.
Ông Siluanov nói thêm cơ quan chức năng của Nga đang thảo luận với các tổ chức xếp hạng để giải thích các hoạt động của chính phủ. Thâm hụt ngân sách năm tới sẽ cao hơn mức 0,6% GDP mà Moscow dự tính.
Tổ chức xếp hạng Standard & Poor's tuần trước cho biết có thể hạ định hạng tín nhiệm Nga xuống ngưỡng không khuyến nghị đầu tư do sự mất giá nhanh chóng của đồng nội tệ. Đồng rúp giảm giá đến mức 80 rúp đổi một USD giữa tháng này, so với mức trung bình 30-35 rúp nửa đầu năm nay. Hôm qua, đồng tiền của Nga đứng ở mức 52 rúp đổi một USD.
Reuters nhận định, dự trữ ngoại hối giảm mạnh và lạm phát ở mức trên 10% là các vấn đề chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1998.
Dự trữ vàng và ngoại hối của Nga tuần trước giảm gần 16 tỷ USD xuống mức dưới 400 tỷ USD, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2009 và giảm so với mức hơn 510 tỷ USD từ đầu năm nay. Các nhà phân tích cho hay Moscow phải chi dùng khoảng 5 tỷ USD để "chống đỡ" đồng rúp, khoảng 7 tỷ USD làm ngoại tệ cho các ngân hàng vay, một biện pháp giúp ổn định đồng tiền.
Chính quyền Moscow đã thực hiện các biện pháp ngăn "đà giảm giá" của đồng rúp, gồm tăng lãi suất từ 10,5% lên 17%, cắt giảm xuất khẩu ngũ cốc và kiểm soát vốn phi chính thức.
Đồng rúp giảm tới mức thấp nhất trong tuần trước do giá dầu, trụ cột của nền kinh tế Nga, giảm mạnh. Các lệnh trừng phạt của phương Tây với Moscow do bất đồng về cuộc khủng hoảng Ukraine khiến các công ty Nga gần như không thể vay mượn từ các thị trường của Mỹ và châu Âu.
Khánh Lynh