Truyền thông nhà nước Nga hôm 30/6 đăng video cho thấy thiết bị bay không người lái (drone) trinh sát trang bị camera ảnh nhiệt theo dõi khu vực có nhiều tòa nhà, trong đó có sở chỉ huy Tiểu đoàn Cơ giới số 1 thuộc Lữ đoàn Cơ giới số 41 Ukraine ở làng New York tại tỉnh miền đông Donetsk.
Quả bom lượn FAB-3000 nặng ba tấn sau đó lao xuống tòa nhà, gây ra vụ nổ lớn, tạo thành cột khói bao trùm khu vực lân cận. Các kênh Telegram ủng hộ Nga cho biết đòn không kích đã khiến ít nhất 60 binh sĩ Ukraine thiệt mạng và 4 phương tiện bị phá hủy. Tòa nhà bị tấn công "đã biến mất không một dấu vết", một tài khoản cho biết.
Bộ Quốc phòng Ukraine chưa bình luận về thông tin.
FAB-3000 là bom thông thường do Liên Xô phát triển sau Thế chiến II, mỗi quả được nhồi 1.400 kg thuốc nổ mạnh, được cho là đủ để phá hủy những công sự vững chắc nhất. Phiên bản bom lượn được trang bị Mô-đun Dẫn đường và Cánh nâng Hợp nhất (UMPK), giúp nó có thể được thả từ khoảng cách xa và tăng độ chính xác của đòn đánh.
Biến thể này được cho là đã thực chiến lần đầu tiên trong đòn tập kích vào làng Liptsy ở tỉnh Kharkov cách đây nửa tháng. Hình ảnh hiện trường cho thấy tòa nhà ba tầng, mục tiêu của cuộc tấn công, bị hư hại nặng, các công trình xung quanh bị san phẳng.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định FAB-3000 và các mẫu bom lượn nhỏ hơn khác của Nga là mối đe dọa lớn với quân đội Ukraine. Defense News cho biết Nga đang sử dụng loại bom này để tấn công binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến trong nhiều tháng qua và lực lượng của Kiev "hiện có rất ít biện pháp để ứng phó".
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hồi tháng 3 cho biết bom lượn là "lợi thế chính của Nga trên chiến trường", giúp lực lượng nước này "tiêu diệt nhiều mục tiêu và vượt qua các đống đổ nát".
Trong cuộc phỏng vấn đăng ngày 30/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận các cuộc tập kích bằng bom dẫn đường của Nga là "vấn đề lớn nhất hiện nay" với Kiev, thêm rằng nước này cần phải tìm giải pháp tấn công tầm xa để có thể đánh phủ đầu các căn cứ không quân của đối phương, ngăn máy bay mang bom lượn của Moskva xuất kích.
Làng New York, trùng tên một thành phố ở Mỹ, bắt đầu xuất hiện trên bản đồ từ giữa thế kỷ 19. Hiện chưa rõ nguồn gốc chính xác của cái tên này. Một số nhà sử học cho rằng nó liên quan đến một doanh nhân người Mỹ từng buôn bán ở đây, số khác nhận định nó bắt nguồn từ những người định cư Mennonites đến từ thành phố York ở Đức. Ngoài ra, một vài ý kiến nêu khả năng đây chỉ đơn giản là lỗi chuyển ngữ từ chữ cái Latin sang hệ Kirin.
Phạm Giang (Theo RT, PI)