Báo cáo được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 11/3 cho thấy xuất khẩu vũ khí của Nga giai đoạn 2019-2023 đã giảm 53% so với giai đoạn 2014-2018.
Thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Nga cũng giảm từ 21% xuống còn 11%, trong khi Pháp tăng từ 7,2% lên 11%. Số liệu của SIPRI đã được làm tròn và không nêu rõ thị phần của Pháp nhiều hơn Nga cụ thể bao nhiêu phần trăm, nhưng tổ chức này xếp Pháp ở vị trí thứ hai, đẩy Nga xuống vị trí thứ ba trong danh sách những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
Đây là lần đầu tiên Nga đánh mất vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng của SIPRI kể từ khi dữ liệu được công bố lần đầu vào năm 1950.
"Sự suy giảm diễn ra nhanh chóng trong 5 năm qua", SIPRI nhận định, thêm rằng số lượng khách hàng quan trọng của ngành công nghiệp vũ khí Nga đã giảm từ 31 xuống còn 12 quốc gia trong giai đoạn này.
Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong danh sách những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Xuất khẩu vũ khí của nước này trong giai đoạn 2019-2023 tăng thêm 17% so với 5 năm trước đó và chiếm 42% thị phần toàn cầu.
Nga chưa bình luận về báo cáo của SIPRI.
Vladimir Artyakov, phó giám đốc tập đoàn vũ khí Nga Rostec, tháng 11 năm ngoái cho biết vũ khí do Moskva sản xuất đang được quan tâm nhiều hơn nhờ thể hiện quả trong xung đột tại Ukraine.
Ông cũng cho rằng SIPRI là tổ chức "không thân thiện" với Nga nên không thể đưa ra thông tin khách quan, khi được yêu cầu bình luận về báo cáo năm 2023 của tổ chức này, trong đó cho hay tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Moskva đã giảm từ 22% trong giai đoạn 2013-2017 xuống 16% trong giai đoạn 2018-2022.
Artyakov cũng nhận định khó có thể tính toán chính xác thị phần ở thời điểm hiện tại, trong bối cảnh phương Tây đang viện trợ cho Ukraine lượng lớn vũ khí, gây ảnh hưởng tới số liệu xuất khẩu thực tế.
Trong khi đó, Pieter D. Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Chương trình Chuyển giao Vũ khí của SIPRI, cho rằng ngành công nghiệp vũ khí của Nga đang phải đối diện với tương lai ảm đạm. Ông nhận định đây không phải là sự sụt giảm trong ngắn hạn và nhiều khả năng xuất khẩu vũ khí của Moskva sẽ không thể phục hồi lại mức như trước đây.
"Nga đang đối mặt với thách thức rất lớn để tiếp tục trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới. Dựa trên số liệu chúng tôi có, Nga cũng đang tụt lại phía sau về lượng vũ khí hiện được đặt hàng", Wezeman cho hay. "Tình hình đương nhiên có thể thay đổi nhanh chóng nếu xuất hiện những đơn đặt hàng lớn mới, song chúng tôi chưa thấy chúng đâu".
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Mỹ, ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí của Nga bắt đầu sụt giảm vị thế từ đầu những năm 2010 do sự cạnh tranh của Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như bởi các lệnh cấm vận mà phương Tây áp đặt nhằm ngăn các quốc gia khác mua thiết bị quân sự Nga.
Sau khi xung đột Ukraine bùng phát, Mỹ và đồng minh đã áp thêm các biện pháp trừng phạt với Nga, khiến nước này gặp khó khăn trong việc tiếp cận với một số linh kiện công nghệ cao để chế tạo khí tài và nhận tiền từ đối tác.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga cũng phải tập trung nguồn lực để phục vụ nhu cầu chiến sự thay vì bán vũ khí ra nước ngoài, trong khi hình ảnh khí tài của Moskva bị phá hủy, hư hỏng trên chiến trường khiến một số khách hàng lâu năm của Nga đặt câu hỏi về chất lượng vũ khí do quốc gia này sản xuất.
Báo cáo của SIPRI cho thấy Ấn Độ, Trung Quốc và Ai Cập đang là các khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, chiếm tỷ lệ lần lượt 34%, 21% và 7,5% trong giai đoạn 2019-2023. Tuy nhiên, xuất khẩu vũ khí từ Nga sang các quốc gia này đã lần lượt giảm 34%, 39% và 54% so với 5 năm trước đó.
Phạm Giang (Theo Newsweek, Reuters)