Khi 4 tên lửa hành trình Nga lao xuống kho ngũ cốc ở làng Pavlivka, miền nam Ukraine, hồi tuần trước, sóng xung kích từ vụ nổ đã làm vỡ cửa sổ những ngôi nhà gần đó.
Một mảnh kính vỡ để lại vết thương dài gần 8 cm trên cánh tay của Tetiana Lazarova, cư dân sống gần nhà kho. Bà đã phải nhảy khỏi giường sau khi nghe thấy tiếng nổ thứ hai.
"Âm thanh thật khủng khiếp", bà nói. "Tôi cảm thấy như đến ngày tận thế".
Giống nhiều nông dân khác sống gần Odessa, một trong những thành phố cảng lớn nhất Ukraine, Lazarova tin rằng các cuộc tấn công liên tục của Nga vào bến cảng và ngành nông nghiệp nước này là nhằm gây thiệt hại tối đa cho Kiev sau khi Moskva chấm dứt Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, thỏa thuận do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
Ngành công nghiệp ngũ cốc của Odessa đã thiệt hại hàng chục triệu USD do hậu quả của những cuộc không kích liên tục gần đây từ lực lượng Nga. Theo Chương trình Lương thực Thế giới Liên Hợp Quốc, các cuộc tấn công đã phá hủy ít nhất 60.000 tấn ngũ cốc, đủ để nuôi sống hơn 270.000 người trong một năm.
Cuộc tập kích tiếp theo hôm 24/7 đã nhắm vào các kho chứa ngũ cốc dọc theo sông Danube, tuyến đường thay thế quan trọng để xuất khẩu lương thực sau khi thỏa thuận Biển Đen sụp đổ.
Theo giới quan sát, bằng các cuộc tập kích liên tục tại Odessa, Nga dường như muốn làm tê liệt toàn bộ ngành nông nghiệp Ukraine, chiếm khoảng 20% nền kinh tế nước này trước xung đột.
Hôm 27/7, một tên lửa khác của Nga bắn trúng cảng hàng hóa và các tòa nhà hành chính tại Odessa, quân đội Ukraine cho biết.
Nga, một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, cho hay họ rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vì thỏa thuận này chỉ mang lại lợi ích cho Ukraine và yêu cầu nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với ngũ cốc và phân bón xuất khẩu của họ đã không được phương Tây đáp ứng.
"Chỉ khi nhận được kết quả cụ thể, chứ không phải những lời hứa hẹn và đảm bảo, chúng tôi mới sẵn sàng xem xét khôi phục thỏa thuận", Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
Giới chức Mỹ bác bỏ những cáo buộc từ Nga và cho rằng Điện Kremlin đang thực hiện một chiến lược rõ ràng.
"Điều này là hoàn toàn có chủ ý", Samantha Power, quản lý Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, tuần trước nói với báo giới sau chuyến đi đến Odessa.
Bà Power cho rằng Nga không chỉ sử dụng "lương thực làm vũ khí" mà đây dường như là một phần trong chiến dịch nhằm gây sức ép tối đa lên nền kinh tế Ukraine.
Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được ký kết hồi tháng 7 năm ngoái đã chấm dứt 4 tháng Nga phong tỏa các cảng Ukraine, vốn đã làm giảm đáng kể hoạt động xuất khẩu và gây tê liệt nền kinh tế của Kiev. Trong một năm qua, thỏa thuận đã cho phép Ukraine xuất khẩu 33 triệu tấn ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm khác.
Power đã đặt mục tiêu cứu vãn ngành nông nghiệp Ukraine, thông báo bổ sung 250 triệu USD viện trợ để tăng tốc độ bốc dỡ tại các cảng trên sông Danube, mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho những nông dân bị mất việc do xung đột và không đủ khả năng tái canh tác, đồng thời hợp lý hóa các trạm kiểm soát biên giới phía tây để tăng giao dịch.
Đến nay, việc sử dụng sông Danube như một tuyến đường thương mại thay thế kênh vận chuyển lương thực qua Biển Đen đã cho thấy nhiều hứa hẹn nhất. Tháng 3/2022, các chuyến hàng trên sông Danube chỉ vận chuyển được khoảng 55.000 tấn nông sản, nhưng hiện được mở rộng công suất đáng kể, với 2,2 triệu tấn vận chuyển trong tháng 5. "Đó là mức tăng gần 4.000 phần trăm", Power nói.
Nhưng khối lượng này vẫn chưa đáp ứng được tiềm năng xuất khẩu của Kiev. Ukraine dự kiến thu hoạch 44 triệu tấn ngũ cốc trong năm nay, giảm gần một nửa so với mức 86 triệu tấn vào năm 2021.
Chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp Ukraine Andrii Dykun thừa nhận vai trò của Mỹ "rất quan trọng đối với nông dân Ukraine", nhấn mạnh lợi ích mà hỗ trợ vay vốn đã mang lại cho những nông dân bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí vận chuyển tăng hoặc không thể đưa nông sản ra thị trường.
"Nếu không có nguồn hỗ trợ đó, chúng tôi sẽ không thể tồn tại", Dykun nói.
Tuy nhiên, những nông dân khác tỏ ra bi quan, lo lắng rằng chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế sẽ không thể tạo ra tác động đủ lớn để giúp họ tồn tại, khi Nga rút khỏi thỏa thuận Biển Đen và không ngừng phá hủy các nhà kho, bến cảng.
"Việc buôn bán ngũ cốc ra thế giới ngay bây giờ là không khả thi về mặt kinh tế", Oleksandr Chumak, chủ nông trại với 200 nhân công, lưu ý.
Chumak cho biết khoảng vài tháng trong năm ngoái, thỏa thuận Biển Đen đã giúp thúc đẩy xuất khẩu nhanh chóng, nhưng Nga sau đó bắt đầu hạn chế hoạt động của tàu hàng một cách khó lường, làm tăng chi phí vận chuyển cho nông dân. "6 tháng qua, nó không phát huy hiệu quả", ông nói.
Dù có thể xuất khẩu một số nông sản qua sông Danube, Chumak cho hay chi phí vận chuyển qua tuyến đường này quá đắt đỏ nên rất khó có lãi.
Một số nông dân, như Anatoliy Artemenko, người trồng lúa mì ở vùng Odessa, cho biết nông sản của ông "vẫn chất đống trong kho từ năm nay sang năm khác", dù các quan chức đã nhiều lần tuyên bố sẽ tăng công suất xuất khẩu.
Một vấn đề quan trọng khác là cạnh tranh hợp đồng xuất khẩu tại thời điểm nguồn cung dư thừa. "Chúng tôi chỉ nhận được hợp đồng 1.000 tấn và đó là tất cả những gì chúng tôi xuất khẩu được", Artemenko cho biết thêm.
Nga không phải là vấn đề duy nhất đối với nông dân Ukraine. Chính phủ Ba Lan đang thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) mở rộng hạn chế nhập khẩu đối với nông sản Ukraine, do lo ngại lương thực giá rẻ của nước này sẽ cạnh tranh và lấn át hàng trong nước.
"Đây hoàn toàn là thảm họa đối với chúng tôi, nhất là lại từ một đất nước luôn nói 'các bạn giống như anh chị em của chúng tôi'", Dykun cho hay.
Đối với Power, khôi phục ngành nông nghiệp là chìa khóa để giúp nền kinh tế Ukraine không sụp đổ khi chiến sự kéo dài, đồng thời giảm bớt gánh nặng tài chính cho Mỹ, nước đã chi hàng chục tỷ USD hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine.
Theo bà, những người nông dân có công ăn việc làm là một "nguồn thu thuế quan trọng cho chính phủ Ukraine".
"Mỹ và châu Âu đang cung cấp hỗ trợ ngân sách trực tiếp rất đáng kể cho chính phủ Ukraine, nhưng tất nhiên, mục tiêu là giảm mức đó theo thời gian, khi nền kinh tế Ukraine phục hồi", bà lưu ý.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)