Anh được đồng nghiệp dìu lên ôtô đưa vào viện cấp cứu. Ngày 18/12, bác sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau cột sống thắt lưng, tê bì từ vùng thắt lưng xuống đến gót chân, mất vận động, mất cảm giác hai chân.
"Bệnh nhân bị gãy cột sống dẫn đến liệt hai chân, khó hồi phục, ngoài ra không được sơ cứu đúng cách, không được cố định cột sống và vận chuyển bằng ôtô cá nhân khiến tủy sống bị tổn thương nặng nề", bác sĩ Kiên nói.
Ê kíp bác sĩ phẫu thuật cố định cột sống bệnh nhân bằng nẹp vít, nắn chỉnh lại mảnh xương vỡ gây chèn ép. Sau 6 tiếng, hai chân bệnh nhân đã phục hồi vận động, tự co và nâng được chân khỏi giường.
Theo bác sĩ Kiên, khả năng phục hồi tổn thương tủy sống phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế tổn thương, thời gian phẫu thuật và mức độ giải phóng chèn ép tủy sống. Bệnh nhân được phẫu thuật càng sớm thì khả năng phục hồi càng cao.
Vị trí tổn thương thường gặp nhất của cột sống là ở vùng bản lề cột sống ngực, thắt lưng, do tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động gây nên. Hậu quả nặng nề nhất của chấn thương cột sống là gây mất vững cột sống và thương tổn rễ thần kinh, tủy sống. Các tổn thương thần kinh này thường do mảnh xương vỡ, máu tụ chèn ép chứ ít khi tủy sống bị đứt rời.
"Bệnh nhân được sơ cứu đúng cách và can thiệp phẫu thuật sớm thì khả năng phục hồi rất cao", bác sĩ nói.
Thùy An