Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang ngày càng cải thiện. Cả hai có đường biên giới chung, cùng là thành viên nhóm nước mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và cùng thuộc top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đặc biệt, Trung Quốc là nước duy nhất trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không chỉ trích Nga vì vấn đề Ukraine.
Nga đang tìm cách nâng mối quan hệ với Bắc Kinh lên cao hơn bao giờ hết. Tổng thống Nga - Vladimir Putin hồi tháng 3 cho biết Trung Quốc là "đối tác thực sự và toàn diện". Còn Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã đặt Nga làm ưu tiên trong các chính sách ngoại giao và ghé thăm nước này 3 lần kể từ khi lên nắm quyền.
Sự gắn bó giữa hai nước thể hiện rõ nhất trong vấn đề kinh tế, đặc biệt là năng lượng. Theo CNTV, Trung Quốc phải nhập khẩu một nửa lượng dầu mỏ tiêu thụ, để đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhanh ba thập kỷ qua. Cuối năm ngoái, Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới năm nay.

Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang ngày càng trở nên thân thiết. Ảnh: AFP
Trong khi đó, kinh tế Nga lại tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên. Hôm 13/5, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga - Anatoly Yanovsky cho biết hợp đồng cung cấp khí đốt của Gazprom cho Trung Quốc đã hoàn thành 98%. Hợp đồng này sẽ được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Nga - Vladimir Putin tới Bắc Kinh ngày 20/5 tới, theo Ria Novosti. Thỏa thuận có thời hạn 30 năm, bắt đầu từ năm 2018. Tổng khối lượng giao hàng ước tính là 38 tỷ m3 mỗi năm.
Ngoài Gazprom, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) cũng ký hợp đồng trị giá 270 tỷ USD với hãng dầu mỏ quốc gia Nga - Rosneft để mua dầu thô. Trong 25 năm tới, Nga sẽ xuất khẩu hơn 700 triệu tấn dầu sang Trung Quốc. Rosneft cũng đang tích cực mở rộng các dự án khí hóa lỏng để đa dạng hóa danh mục đầu tư, tập trung vào thị trường phương Đông, như Nhật Bản và Trung Quốc.
Năm 2013, Nga ký với Trung Quốc 21 thỏa thuận thương mại, trong đó có hợp đồng cung cấp mới 100 triệu tấn dầu cho Sinopec. Đến tháng 10, Xinhua cũng đưa tin hai Chính phủ đã ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng một nhà máy lọc dầu tại Thiên Tân (Trung Quốc).

Năng lượng đang là lĩnh vực hợp tác chủ đạo của Nga và Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, Nga hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của nước này. Còn Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Nga. Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 90 tỷ USD, với rất nhiều tín hiệu lạc quan về quan hệ kinh tế song phương. Lãnh đạo hai nước còn kêu gọi nâng số liệu này lên 100 tỷ USD năm 2015.
Ngoài thương mại, Trung Quốc cũng cam kết đầu tư 20 tỷ USD vào các dự án tại Nga, tập trung vào cơ sở hạ tầng giao thông, đường cao tốc, cảng biển và sân bay. Nước này kỳ vọng năm 2020 sẽ nâng gấp 4 đầu tư vào đây. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố sẵn sàng hợp tác đầu tư vào Crimea sau khi tình hình trên bán đảo ổn định. Bắc Kinh còn có kế hoạch thuê khoảng 10.000 hecta đất nông nghiệp tại đây.
Năm 2004, Hội đồng Kinh doanh Nga – Trung đã được thành lập và thu hút hơn 150 công ty lớn nhất từ 2 nước. Hiện hội đồng này hỗ trợ 27 dự án thương mại và đầu tư tại 19 tỉnh thành của 2 nước, với tổng chi phí 8,9 tỷ USD. Để đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp, Thủ tướng Nga Medvedev tuần trước còn đề nghị Quốc hội lập một hội đồng đặc biệt phụ trách vấn đề Nga - Trung.
Năm 2014, Nga và Trung Quốc cũng đã lên lịch cho rất nhiều kế hoạch chung, không chỉ thương mại mà còn cả năng lượng, sản xuất máy bay, cơ khí chế tạo, quân sự, khoa học và du lịch. Moscow có thể ký hợp đồng bán máy bay tiêm kích Sukhoi Su-35 cho Trung Quốc trước chuyến thăm của Tổng thống Nga - Vladimir Putin tới Bắc Kinh cuối tháng sau.
Một lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác giữa hai cường quốc này là thanh toán. Cả Moscow và Bắc Kinh đều đã nghĩ đến việc từ bỏ đồng USD trong giao dịch giữa hai nước. Trung Quốc đang giúp Nga thiết lập hệ thống thanh toán riêng. Nga cũng có thể tham gia hệ thống thẻ UnionPay của Bắc Kinh.
Ý tưởng này trở nên đặc biệt cấp bách khi hai hãng thẻ tín dụng Mỹ là Visa và MasterCard cắt dịch vụ với nhiều công ty Nga bị Mỹ trừng phạt. Nga cho biết đang thiết lập Hệ thống Thanh toán quốc gia, dựa trên mô hình của Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng xấu, khiến nhiều ngân hàng Mỹ và châu Âu phải ngừng giao dịch với Moscow, SCMP nhận định các nhà băng Trung Quốc sẽ là bên đắc lợi. "Chúng tôi không có vấn đề gì với Nga cả. Nếu các ngân hàng Mỹ không thể lo cho khách hàng Nga, chúng tôi chắc chắn sẽ chào đón họ đến với mình", lãnh đạo một ngân hàng Trung Quốc cho biết.
RT nhận định quan hệ giữa hai nước đang ở mức rất cao. Trung Quốc và Nga đều có vị thế tương đương trong xử lý nhiều vấn đề quốc tế và sẽ tiếp tục gắn bó hơn nữa. Giới phân tích cho rằng động thái trừng phạt và cô lập Nga của phương Tây rất không khôn ngoan, vì nó sẽ chỉ làm tăng quan hệ đồng minh giữa Moscow và Bắc Kinh.
Hà Thu