Tại Bắc Kinh ngày 24/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, người tuyên bố rằng hai nước sẽ tiếp tục sát cánh cùng nhau chống lại những hành động của phương Tây nhằm kiềm chế họ.
"Chúng ta sẽ hợp sức đương đầu với những nỗ lực tập thể mà phương Tây đang theo đuổi nhằm duy trì vị thế thống trị toàn cầu và sử dụng các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp để áp đặt ý chí của họ lên các quốc gia độc lập", hãng thông tấn TASS dẫn lời Thủ tướng Nga nói trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc.
Đáp lại, ông Tập khẳng định Trung Quốc và Nga vẫn "ủng hộ nhau một cách vững chắc về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và tăng cường hợp tác đa phương". Chủ tịch Trung Quốc đặc biệt đề cập tới các kế hoạch hợp tác mà hai bên đã nhất trí trong cuộc gặp giữa ông với Tổng thống Nga Vlaidmir Putin hồi tháng ba.
Chuyến thăm của Thủ tướng Mishustin diễn ra không lâu sau khi Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương Trung Quốc Trần Văn Thanh đến Moskva và hội đàm với Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev, cố vấn cấp cao của Tổng thống Putin.
Cùng lúc, đặc phái viên chính phủ Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu Lý Huy sẽ tới Moskva vào ngày 26/5, theo truyền thông Nga. Ông Lý Huy trước đó đã đến Kiev và loạt nước châu Âu, trong nỗ lực thảo luận về kế hoạch hòa bình cho Ukraine.
Trung Quốc cũng đang có những bước đi tích cực trong nỗ lực làm tan băng quan hệ với Mỹ, khi quan chức cấp cao hai nước sẽ tổ chức loạt cuộc gặp trong vài tuần tới để khôi phục liên lạc cấp cao, vốn đã gián đoạn sau sự cố khí cầu hồi đầu năm.
Đây là những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc dường như muốn thể hiện rằng họ không quá thiên về Nga khi đối mặt những hoài nghi từ phương Tây về kế hoạch do Bắc Kinh đề xuất nhằm kiến tạo hòa bình cho Ukraine. Một số nhà ngoại giao Trung Quốc đã gợi ý rằng quan hệ đối tác "không giới hạn" mà lãnh đạo hai nước tuyên bố vào đầu năm 2022, trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, cũng có thể được áp dụng cho những quốc gia khác.
Tuy nhiên, chuyến thăm tới Bắc Kinh của Thủ tướng Mishustin, người đến Trung Quốc cùng với 5 bộ trưởng và một phái đoàn lớn gồm các doanh nhân, đã phát đi một thông điệp hoàn toàn khác, khi hai bên tuyên bố quan hệ Bắc Kinh - Moskva "đang ở mức cao chưa từng thấy".
"Đó là mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau, mong muốn cùng nhau đối phó các thách thức liên quan tới tình hình hỗn loạn đang gia tăng trên trường quốc tế cũng như áp lực từ phương Tây", Thủ tướng Mishustin nói với người đồng cấp Lý Cường trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 24/5
Thủ tướng Lý Cường cũng ca ngợi mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Bắc Kinh - Moskva trong kỷ nguyên mới, cho biết sẵn sàng hợp tác với Nga để đưa mối quan hệ lên tầm cao mới.
Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Á - Âu Carnegie Nga, trụ sở tại Berlin, cho rằng căng thẳng giữa hai nước với Mỹ và đồng minh phương Tây chính là động lực thúc đẩy họ phải xích lại gần nhau.
Trung Quốc đã nổi giận khi G7 trong hội nghị thượng đỉnh tuần trước ở Nhật đã ra tuyên bố chung với những lời lẽ gay gắt nhắm vào Bắc Kinh, chỉ trích các hoạt động "quân sự hóa" của nước này ở khu vực. Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng lãnh đạo 6 cường quốc khác trong nhóm còn thảo luận về biện pháp đối đầu với những gì họ mô tả là chiến thuật đe dọa từ Trung Quốc, bên cạnh kế hoạch hỗ trợ Ukraine.
Bắc Kinh và Moskva đã lập tức cùng lên tiếng chỉ trích lập trường của G7, với việc Bộ Ngoại giao Nga gọi nhóm này là "lò ấp" của các "sáng kiến phá hoại và làm suy yếu ổn định toàn cầu".
Tổng thống Biden cho biết ông mong đợi quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh sẽ sớm tan băng, song giới phân tích nhận định khả năng này khó xảy ra trong tương lai gần.
"Về cơ bản, mọi thứ không được cải thiện", Gabuev nói. "Đó không phải cuộc đối đầu công khai, nhưng thực sự là cuộc cạnh tranh quyết liệt. Tôi thấy Nga và Trung Quốc đang ở trên cùng một con thuyền, dù mức độ căng thẳng với Mỹ khác nhau".
Trung Quốc đóng vai trò như bên hỗ trợ không thể thiếu đối với kinh tế Nga, vốn gặp nhiều khó khăn dưới loạt lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây. Đây là điều mà Thủ tướng Mishustin đã thừa nhận khi phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Nga - Trung ở Thượng Hải hôm 23/5.
Mishustin cho biết ông kỳ vọng thương mại giữa hai nước, đạt 189 tỷ USD vào năm ngoái, sẽ vượt 200 tỷ USD trong năm nay, sớm hơn một năm so với mục tiêu năm 2024 mà đôi bên đặt ra vào năm 2019. Thương mại nông nghiệp cũng tăng 42% trong năm ngoái và 90% trong quý I năm nay.
Thủ tướng Mishustin hôm 23/5 cũng có cuộc gặp với cựu tổng thống Brazil Dilma Rousseff, hiện là người đứng đầu Ngân hàng Phát triển Mới có trụ sở ở Thượng Hải. Đây là ngân hàng được thành lập bởi khối các nền kinh tế mới nổi BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Tại cuộc gặp, ông cho biết Nga coi một trong những mục tiêu chính của ngân hàng là "nỗ lực bảo vệ quan hệ thương mại và kinh tế giữa các nước BRICS khỏi tác động từ những biện pháp trừng phạt tập thể bất hợp pháp của phương Tây".
Chuyến thăm Nga của ông Trần Văn Thanh, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung Quốc, cơ quan giám sát lực lượng an ninh, hành pháp của Trung Quốc, còn cho thấy mối quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh đang mở rộng ra cả những lĩnh vực ngoài thương mại.
Theo Hội đồng An ninh Nga, ông Trần đã thảo luận về việc chia sẻ thông tin tình báo tài chính cũng như kế hoạch hợp tác giữa cảnh sát vũ trang Trung Quốc và Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga trong cuộc gặp với Thư ký Hội đồng An ninh Patrushev.
Trong vấn đề Ukraine, vốn đang được cả Nga và Trung Quốc quan tâm, chuyến thăm của ông Lý tới Moskva cuối tuần này giống như cơ hội trở về mảnh đất thân thuộc. Ông từng là đại sứ Trung Quốc tại Moskva từ năm 2009 đến 2019, được cả Nga và Ukraine trao tặng huân chương hữu nghị.
Ông Lý tới Moskva sau khi không đạt được nhiều kết quả đột phá sau cuộc họp với các quan chức Ukraine tuần trước. Kiev tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ để đàm phán với Nga, trong khi Moskva khẳng định đây là điều kiện tiên quyết để thương lượng.
Hôm 23/5, ông Lý đã thảo luận về đề xuất của Trung Quốc với các nhà ngoại giao Pháp, nói rằng Bắc Kinh muốn "tăng cường đối thoại và trao đổi với tất cả các bên" để "dần dần xây dựng đồng thuận và đặt nền móng cho một lệnh ngừng bắn".
Trung Quốc đến nay vẫn không lên án Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời cáo buộc những quốc gia ủng hộ Ukraine, đặc biệt là Mỹ, đã thúc đẩy chiến sự bằng cách cung cấp vũ khí cho quân đội Kiev.
Tài liệu về lập trường của Trung Quốc cũng tuyên bố chống lại xu thế tăng cường các khối quân sự, phản ánh quan điểm của Tổng thống Putin rằng việc NATO không ngừng mở rộng sang phía đông đã buộc Nga phải phát động chiến dịch ở Ukraine.
Giới phân tích nhận định các bên sẽ có rất ít cơ hội tổ chức bất kỳ cuộc thảo luận nào cho đến khi Ukraine hoàn tất chiến dịch phản công được kỳ vọng từ lâu, nhưng trong lúc chờ đến thời điểm đó, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ tìm cách thuyết phục những bên ủng hộ Kiev chấp nhận phương án đàm phán chấm dứt giao tranh.
"Điểm chung trong các chuyến đi tới châu Âu của ông Lý Huy và chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Mishustin là Trung Quốc đang cố gắng phát đi tín hiệu rằng Nga sẽ không sụp đổ, vậy nên, Ukraine và phương Tây tốt hơn hết nên cân nhắc cách thỏa hiệp với họ để tìm ra giải pháp chấm dứt xung đột thông qua đàm phán", Richard Turcsanyi, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu châu Á - Trung Âu, trụ sở tại Slovakia, nhận định. "Nhưng hiện tại, Ukraine dường như không quan tâm đến điều đó".
Vũ Hoàng (Theo WSJ)