"Lãnh đạo hai nước đã đạt đồng thuận về các nội dung đôi bên cùng có lợi, tăng cường dung hòa lợi ích và hướng đến thành công chung. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Nga để triển khai đồng thuận quan trọng này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh bình luận vào ngày 3/6, phản hồi câu hỏi từ TASS liệu dự án khí đốt Sức mạnh Siberia 2 có bị trì hoãn.
Bà Mao bổ sung rằng Bắc Kinh muốn "củng cố lâu dài hợp tác đôi bên cùng có lợi trên mọi phương diện" với Moskva.
Cùng ngày, trong cuộc họp báo trực tuyến của Điện Kremlin, người phát ngôn Dmitry Peskov khẳng định Trung Quốc và Nga "tiếp tục thảo luận" về dự án Sức mạnh Siberia 2, song chưa thể công bố các điều khoản thương mại trong quá trình đàm phán.
"Việc mỗi nước quyết bảo vệ lợi ích của mình là điều bình thường. Đàm phán được duy trì là nhờ quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước. Các bên sẽ tiếp tục thảo luận về phương diện thương mại. Chúng tôi không có bất kỳ hoài nghi nào về khả năng đạt được thỏa thuận ở mọi nội dung cần thiết", ông nói.

Nhà máy Năng lượng Siberia của Gazprom, nơi xử lý khí đốt khai thác ở vùng Viễn Đông nước Nga, vào tháng 11/2019. Ảnh: Reuters
Trước đó, Financial Times dẫn nhiều nguồn tin nói rằng dự án Sức mạnh Siberia 2 bị trì hoãn vì Nga không chấp nhận yêu cầu từ phía Trung Quốc về mức giá và sản lượng khí đốt.
Nguồn thạo tin cho biết phía Trung Quốc muốn hưởng giá ưu đãi "gần như ngang với mức giá nội địa" tại Nga, vốn được hưởng trợ giá mạnh tay từ chính phủ. Ngoài ra, phía Trung Quốc chỉ có thể cam kết nhập khẩu một phần nhỏ trong tổng sản lượng dự kiến hàng năm của đường ống, dự kiến đạt khoảng 50 tỷ m3.
Hai nguồn tin tiết lộ ông Alexei Miller, giám đốc điều hành tập đoàn Gazprom của Nga, không tháp tùng Tổng thống Vladimir Putin đến thăm Trung Quốc vào tháng 5 vì nhận thấy chưa thể hóa giải bế tắc trong đàm phán.

Hệ thống đường ống Sức mạnh Siberia và Sức mạnh Siberia 2 (dự kiến) chuyển khí đốt từ Nga tới Trung Quốc. Đồ họa: Table
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 16/5 tuyên bố Moskva và Bắc Kinh sẽ ký hợp đồng xây dựng đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia 2 "trong tương lai gần".
Một ngày sau, Tổng thống Putin bình luận hai nước còn những lựa chọn khác để mua bán dầu thô và khí đốt, cho rằng "mọi phương án đều chấp nhận được". Giới quan sát nhận định tuyên bố này cho thấy Moskva và Bắc Kinh vẫn chưa đạt thỏa thuận cuối cùng sau chuyến thăm của ông Putin.
Nga đang cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua đường ống Sức mạnh Siberia 1, còn gọi là "Đường ống phương Đông", theo thỏa thuận song phương dài 30 năm. Đường ống bắt đầu hoạt động từ năm 2019 và dự kiến đạt năng suất vận hành tối đa 38 tỷ m3 mỗi năm vào 2025.
Thanh Danh (Theo TASS, RIA, FT)