"Ngày 9/11, Đại sứ Moldova tại Moskva Lilian Darii đã được triệu tập và nhận thông báo rằng một nhân viên đại sứ quán Moldova là 'người không được hoan nghênh'", Bộ Ngoại giao Nga cho biết. Danh tính người này không được công bố.
Bộ Ngoại giao Nga thông báo động thái này nhằm đáp trả "quyết định vô căn cứ" của Moldova hôm 31/10, trục xuất một nhân viên đại sứ quán Nga tại Chisinau do "vi phạm các điều khoản trong Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao".
Theo quy định quốc tế, các nhà ngoại giao có quyền miễn trừ tại quốc gia họ công tác nhưng có thể bị tước quyền ở lại trong trường hợp có hành động thù địch hoặc vi phạm pháp luật. Công ước Vienna cho phép quốc gia sở tại có thể thông báo nhân viên ngoại giao nước khác là "người không được hoan nghênh" bất cứ lúc nào và việc người này ở lại quốc gia đó là không thể chấp nhận.

Đại sứ quán Nga tại Chisinau, Moldova, tháng 3/2018. Ảnh: Reuters.
Moldova thông báo trục xuất nhân viên đại sứ quán Nga sau khi nói rằng một tên lửa hành trình Nga bị phòng không Ukraine bắn hạ và rơi xuống miền bắc nước này, làm hư hại nhiều tài sản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi quyết định của Moldova là "bằng chứng Chisinau đang hủy hoại quan hệ song phương".
Moldova có dân số gần 2,6 triệu người, giáp với Romania về phía tây và Ukraine ở phía bắc, đông và nam. Quan hệ giữa Nga và Moldova bắt đầu xấu đi từ năm 2021, khi bà Natalia Gavrilita nhậm chức thủ tướng và ủng hộ nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU), và ngày càng đi xuống từ lúc Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2.
Moldova đã nộp đơn xin gia nhập EU vào tháng 3. EU trao cho Moldova tư cách ứng viên vào tháng 6, nhưng quá trình đàm phán có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ để nước này có thể gia nhập liên minh.

Vị trí Moldova và vùng ly khai Transnistria. Đồ họa: Al Jazeera.
Như Tâm (Theo Reuters, TASS)