"4 robot Marker đầu tiên đã hiện diện ở khu vực Donbass đúng thời hạn. Chúng tôi đang nạp hình ảnh mục tiêu, xây dựng thuật toán chiến đấu để thiết lập phân đội tác chiến, cũng như lắp đặt vũ khí chống tăng có uy lực", cựu thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, lãnh đạo nhóm cố vấn quân sự "Sói Sa hoàng", viết trên Telegram hôm 2/2.
Ông Rogozin không cho biết thời gian loạt robot Marker bắt đầu tham chiến, cũng như địa điểm triển khai.
Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.
Dự án phát triển robot Marker được khởi động từ năm 2018, thử nghiệm lần đầu vào tháng 6/2020 và hoàn tất hồi tháng 1/2022. Mỗi robot có khối lượng 3 tấn, tốc độ tối đa 70-80 km/h, tầm di chuyển 1.000 km và có thể hoạt động độc lập trong 60 tiếng liên tục.
Marker có hình dáng tương tự xe tăng, trang bị bệ chiến đấu với thiết kế module, có thể mang nhiều loại vũ khí như tên lửa chống tăng dẫn đường, súng phóng lựu tự động và súng máy. Nó cũng có thể chở thiết bị y tế và khí tài hỗ trợ bộ binh, kèm theo máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ để trinh sát hoặc tập kích đối phương.
Truyền thông Nga cho biết Marker có khả năng nhận diện mục tiêu dựa vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), được kỳ vọng có thể chống lại UAV bằng xung điện từ và dàn vũ khí mang theo.
Oleg Martyanov, lãnh đạo Trung tâm Phát triển Công nghệ Robot thuộc Quỹ Nghiên cứu Tiên tiến Nga (FPI), cho biết nhà sản xuất đã "dạy" cho Marker kỹ năng hạ mục tiêu bằng súng trường nhanh gấp nhiều lần so với con người, nhấn mạnh chúng có thể phân biệt được dân thường và binh sĩ để chọn mục tiêu "gây ra mối đe dọa trực tiếp".
Ukraine và Nga đều tuyên bố sở hữu UAV được trang bị AI. Chưa quốc gia nào trên thế giới sử dụng robot chiến đấu hoàn toàn tự động trong giao tranh, song giới chuyên gia cho rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Moskva, Kiev hoặc cả hai bên triển khai chúng.
Vũ Anh (Theo TASS, AP)