
4 tàu Nga đang ở vùng biển quốc tế gần Australia. Đồ họa: SydneyMorningHerald
Maxim Raku, phát ngôn viên Đại sứ quán Nga tại Canberra, cho biết động thái "không liên quan trực tiếp đến Australia" mà là hoạt động diễn tập hàng hải thường kỳ. "Chúng tôi cần đội tàu hùng mạnh vì chúng tôi cần sự ổn định trên thế giới và chỉ có rất ít nước có thể đem lại an ninh cho nền hòa bình thế giới", Sydney Morning Herald dẫn lời ông Raku nói.
Phát ngôn viên Nga cho biết 4 tàu, bao gồm một tuần dương hạm mạnh và một khu trục hạm, sẽ ở trong vùng biển quốc tế. Đó là lý do Moscow không báo trước cho chính phủ Australia, ông Raku nói. "Chúng tôi thực sự không vi phạm bất cứ luật lệ nào, chúng tôi tuân thủ luật quốc tế, vì vậy sao lại coi chúng tôi là một mối hiểm nguy?".
"Không ai muốn xung đột", phát ngôn viên Đại sứ quán Nga nói thêm.
Một số báo cáo của các cơ quan phân tích chỉ ra rằng Nga đang gia tăng hoạt động quân sự khi cử nhiều tàu hải quân và máy bay ném bom tầm xa tới gần lực lượng quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Raku cho biết Moscow thấy "lạ" trước việc các nước NATO bất ngờ vì quân đội Nga tập trận gần lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của NGa cũng công nhận phản ứng của Australia là bình thường. "Phản ứng của các bạn không gây bất ngờ, bởi chúng tôi hiếm khi đi đường này".
Australia hôm nay cho biết nước này đang theo dõi sát hoạt động của các tàu Nga. "Chúng tôi đã nhận thấy sự hiện diện của họ và đang theo dõi. Theo tôi biết thì họ vẫn ở trong vùng biển quốc tế", bà Julie Bishop, Ngoại trưởng Australia, cho hay.
Việc Nga triển khai 4 tàu tới biển San hô (Coral Sea), gần Australia diễn ra chỉ hai ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở thành phố Brisbane khai mạc. Sự kiện cũng diễn ra trong bối cảnh Moscow và Canberra căng thẳng, khi Thủ tướng Tony Abbott từng dọa "húc ngã" Tổng thống Vladimir Putin vì vụ MH17.
Ông Raku cho rằng đã có "sự hiểm nhầm trong quan hệ" giữa Australia và Nga, và "hai bên cần có trách nhiệm có những bước đi đúng hướng, không hiểu sai các vấn đề".

Khu trục hạm Nguyên soái Shaposhnikov, một trong 4 tàu đang ở vùng biển quốc tế gần Australia. Ảnh minh họa: Independent
Trọng Giáp