![]() |
Phần thân chính của Kursk được vớt lên vào mùa thu năm ngoái. |
Ít lâu sau khi Kursk chìm trên biển Barents, Hải quân Nga đặt giả thuyết rằng một quả thủy lôi đã phát nổ trên tàu do sức ép của một vụ đâm va với tàu ngầm khác. Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây đặt vấn đề: Làm sao một tàu ngầm nhỏ của nước ngoài có thể đâm vào Kursk – tàu ngầm nguyên tử lớn nhất thế giới - rồi chạy trốn mà không hề hấn gì?
Chỉ có một lời đáp cho câu hỏi này: Hải quân Nga đang cố tìm cách biện hộ cho sự yếu kém của mình. Điều này đã được Phó thủ tướng Klebanov xác nhận trong cuộc phỏng vấn với hãng Interfax hôm qua (22/1). Ông Klebanov cho biết, các chuyên gia đã kiểm tra kỹ xác tàu và không phát hiện ra dấu vết nào cho thấy có sự va chạm. Phó thủ tướng hy vọng người của ông sẽ tìm ra nguyên nhân chính xác của thảm họa Kursk vào cuối năm nay, khi mũi tàu được trục vớt.
Các nhà khoa học cho rằng, giả thuyết đứng vững nhất cho tới nay là một thủy lôi đã phát nổ trong khi được đưa vào bệ ngắm. Vụ nổ này khởi động chuỗi phản ứng dây chuyền, khiến một quả cầu lửa bùng lên, bật tung lớp vỏ thép của Kursk. Và con tàu cứ thế chìm sâu xuống đáy biển Barents, mang theo 118 thuỷ thủ.
H.F. (theo BBC)