Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/12 thông báo ông đã có hai cuộc điện đàm quan trọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông tuyên bố quá trình đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine sẽ bắt đầu "ngay lập tức", cho rằng cả hai lãnh đạo đều mong muốn tạo lập hòa bình.
Các cuộc điện đàm thắp lên hy vọng về chấm dứt xung đột Ukraine - Nga sau gần 3 năm giao tranh đẫm máu, dù hiện tại còn quá sớm để có thể dự đoán mốc thời gian cụ thể. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng chỉ ra cuộc điện đàm dường như là một món quà lớn mà ông Trump đã trao cho ông Putin.
Khi Nga phát động chiến sự ở Ukraine ba năm trước, Washington cùng các đồng minh đã tạo lập liên minh ủng hộ Kiev, khẳng định không có quyết định nào liên quan tới xung đột mà không có sự tham gia của Ukraine. Đồng thời, liên minh ủng hộ Ukraine do Mỹ dẫn đầu cũng nỗ lực cô lập Nga, nhằm gây sức ép buộc ông Putin chấm dứt xung đột.
![Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp trực tuyến tại dinh thự Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moskva ngày 13/2. Ảnh: AP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/14/AP25044411804694-7727-1739520266.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hDSBctJZI-vBTlhDOFNeUQ)
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp trực tuyến tại dinh thự Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moskva ngày 13/2. Ảnh: AP
Tuy nhiên, việc ông Trump điện đàm với ông Putin trước khi gọi với lãnh đạo Ukraine dường như cho thấy ưu tiên của Mỹ đã thay đổi. Ông Trump không chỉ ca ngợi tinh thần hợp tác mới với ông Putin, mà còn đề cập tới việc gặp trực tiếp lãnh đạo Nga trong "tương lai không xa", có thể là tại Arab Saudi, cũng như mời Tổng thống Nga tới thăm Mỹ.
"Đây là sự đảo ngược lớn. Mỹ có vẻ như đang từ một bên ủng hộ chính cho Ukraine chuyển sang vai trò trung lập nhiều hơn", Max Bergmann, giám đốc chương trình châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói.
Trong nhiệm kỳ của mình, tổng thống Joe Biden từ chối điện đàm với Tổng thống Putin sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine cuối tháng 2/2022.
Nga từ lâu tìm kiếm các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ về Ukraine, theo giới quan sát. Trước xung đột, Nga đã lên tiếng về những đảm bảo an ninh đối với quốc gia này, trong đó có việc Ukraine phải từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO.
Chính quyền ông Biden phớt những lời kêu gọi đó, cho rằng Ukraine nên được gia nhập NATO, dù không phải "ngay lập tức".
Tuy nhiên, chính quyền ông Trump có lập trường khác. Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth nói tham vọng gia nhập NATO và giành lại toàn bộ lãnh thổ của Ukraine là "không thực tế". Phát biểu trước cuộc gặp với các bộ trưởng quốc phòng NATO ở Brussels tuần này, ông Hegseth bác bỏ ý kiến cho rằng Mỹ "phản bội" Ukraine, nhấn mạnh Washington chỉ "đầu tư và quan tâm tới hòa bình".
"Chính quyền ông Trump dường như đang ủng hộ các mục tiêu quan trọng của Tổng thống Putin, ngay cả trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu", Vladimir Isachenkov, nhà bình luận của AP, cho hay.
Tổng thống Trump đã mô tả cuộc điện đàm với ông Putin là "hiệu quả cao", nhấn mạnh mong muốn chung của hai lãnh đạo là ngừng giao tranh.
Trong cuộc điện đàm với ông Zelensky sau đó, Tổng thống Mỹ không cam kết liệu Ukraine có thể tham gia một cách bình đẳng vào quá trình đàm phán hòa bình hay không. Giới quan sát cho rằng đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy Kiev sẽ chỉ đóng vai phụ và buộc phải chấp nhận những gì Nga - Mỹ đã đàm phán. Điều này trái ngược với chính sách dưới thời ông Biden, trong đó Mỹ tuyên bố chỉ có Ukraine mới có thể quyết định thời điểm và điều khoản đàm phán.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 13/2 điện đàm với người đồng cấp Ukraine Andriy Sybiga, cam kết về "độc lập và ổn định ở Ukraine", nhưng không nói về chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ như những gì chính quyền ông Biden từng nhấn mạnh.
"Với sự trở lại của ông Trump, điều mà Ukraine cần tập trung hiện tại không phải là chiến thắng, mà là làm sao để không thua", Bergman nói.
Dù châu Âu cũng muốn tham gia đàm phán về thỏa thuận chấm dứt xung đột Ukraine, ông Trump và cộng sự tỏ ra rất ít quan tâm đến việc đáp ứng yêu cầu này.
Ông Hegseth nhấn mạnh NATO không nên tham gia bất kỳ sứ mệnh quân sự nào trong tương lai để giám sát hòa bình ở Ukraine, đồng thời lực lượng gìn giữ hòa bình tiềm năng cũng không nên thiết lập dựa trên hiệp ước chung của NATO.
"Đối với Nga, thực tế hiện nay dường như là Nga và Mỹ sẽ vạch kế hoạch chấm dứt xung đột hoặc đóng băng nó. Ukraine và các nước châu Âu chỉ đóng vai trò bên lề", Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga, nói.
David Salvo, chuyên gia về Nga tại Quỹ German Marshall của Mỹ, cảnh báo Nga sẽ tìm cách đưa ra các điều khoản "có lợi tối đa" khi đàm phán với Mỹ không chỉ về Ukraine mà còn về cấu trúc an ninh châu Âu, trong đó có yêu cầu về hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu.
![Ông Donald Trump (trái) Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung ở Helsinki, Phần Lan, ngày 16/7/2018. Ảnh: AP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/14/unnamed-jpeg-8895-1739093270-1-1380-5978-1739520267.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KkN-7IaDwrU2uvojctgV_Q)
Ông Donald Trump (trái) Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung ở Helsinki, Phần Lan, ngày 16/7/2018. Ảnh: AP
Vladimir Isachenkov nhấn mạnh hiếm khi thấy sự thay đổi chính sách giữa Nga và Mỹ "nhanh chóng và quyết liệt" như cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước.
Tại Moskva, cuộc gọi giữa hai lãnh đạo đã được đón nhận một cách tích cực. Một nghị sĩ Nga nói cuộc điện đàm "phá vỡ vòng phong tỏa của phương Tây" với nước này. Một người khác cho rằng người châu Âu chắc chắn "đang kinh hoàng và không thể tin vào mắt mình" khi đọc thông báo của ông Trump về cuộc điện đàm.
Các doanh nhân Nga hy vọng thỏa thuận hòa bình với ông Trump có thể giúp gỡ các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Điện Kremlin nói rằng ngoài vấn đề Ukraine, ông Trump và ông Putin cũng đã đề cập đến "quan hệ song phương trong lĩnh vực kinh tế".
Trong cuộc điện đàm dài một tiếng rưỡi, ông Trump và ông Putin cũng đã thảo luận về Trung Đông, thị trường năng lượng, đồng đôla và AI, phản ánh chương trình nghị sự rộng lớn mà lãnh đạo Nga từ lâu quan tâm.
"Cuộc điện đàm và cách ông Trump nói về nó chắc chắn được coi là chiến thắng mang tính biểu tượng của Moskva. Đó thực sự là cuộc thảo luận giữa các đối thủ cạnh tranh ngang hàng, thay vì chỉ bó hẹp vấn đề về Ukraine", Gabuev nhận xét.
Thùy Lâm (Theo AFP, AP)