"Chúng tôi dự định hoàn thành sửa đổi học thuyết quân sự trong năm nay", hãng tin RIA Novosti dẫn lời Mikhail Popov, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nói. "Tôi không có nghi ngờ nào về việc các cơ sở hạ tầng thuộc NATO xâm lấn biên giới của chúng tôi, bao gồm mở rộng liên minh, sẽ thuộc nhóm những nguy cơ quân sự lớn nhất với Liên bang Nga".
Một nhóm đặc biệt đã được thiết lập theo khuôn khổ hội đồng để trình bày sửa đổi trong học thuyết quân sự Nga. Học thuyết được cập nhật lần gần đây nhất là vào năm 2010.
Ông Popov cho biết học thuyết năm 2010 từng gây ra phản ứng mạnh, với việc một số quan chức Nga cấp cao nói NATO không phải là kẻ thù. "Chúng tôi đã được đảm bảo bằng những hành động thiện chí, nhưng các động thái trong thời gian gần đây lại cho thấy sự khác biệt", Popov nói.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga đánh giá quyết định xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu để tăng cường khả năng tấn công chiến lược của Mỹ cùng đồng minh NATO cũng là sự đe dọa an ninh với Moscow.
Nội dung cập nhật cũng sẽ đề cập đến "những mối đe dọa quân sự mới, có liên quan đến sự kiện Mùa xuân Arab, xung đột quân sự ở Syria, tình hình ở Ukraine và xung quanh nước này". Sửa đổi học thuyết quân sự còn tác động đến tính độc lập của Nga trong việc sản xuất vũ khí, khí tài cùng trang thiết bị quân sự khác.
Quyết định sửa đổi học thuyết quân sự được Moscow đưa ra sau khi liên minh quân sự NATO muốn thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh, có thể được điều động đến điểm nóng tại khu vực trong ít nhất hai ngày, để đối phó với cuộc khủng hoảng Ukraine. Trên thực tế, NATO đã có sẵn một lực lượng phản ứng nhanh, nhưng nó phải mất năm ngày để di chuyển tới các địa điểm cần thiết.
Thiết lập các lực lượng mới là một trong những biện pháp thuộc "kế hoạch hành động sẵn sàng" mà NATO sẽ thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức ở xứ Wales vào ngày 4/9, nhằm xử lý tình hình Ukraine hiện nay.
Như Tâm