Bộ trưởng Tài chính Nga - Anton Siluanov hôm qua cho biết trên kênh truyền hình Russia One rằng nước này sẽ tiếp tục giảm nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ, để đáp trả các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Nga tuần trước. Trong giai đoạn tháng 3 - 5, giá trị số trái phiếu Nga sở hữu đã giảm 81 tỷ USD - tương đương 84% tổng số họ nắm giữ.
Ông cũng cho biết Nga đang cân nhắc không dùng đôla Mỹ trong thương mại quốc tế, cho rằng đây là công cụ không đáng tin cậy để thanh toán. “Tôi không loại trừ khả năng này. Chúng tôi đã giảm đáng kể đầu tư vào tài sản Mỹ. Đôla Mỹ được coi là tiền tệ quốc tế, nhưng đã trở thành một công cụ rủi ro khi thanh toán”, ông nói.
Tuy vậy, ông cũng khẳng định không có kế hoạch đóng cửa các công ty Mỹ tại Nga. “Hiện tại chúng tôi không có kế hoạch hạn chế hay đóng cửa các công ty này. Họ đang tạo công ăn việc làm cho người dân chúng ta”, ông nói.
Vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ lên Nga được công bố tuần trước, liên quan đến vụ cha con cựu điệp viên Nga - Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh đầu năm nay. Nó sẽ có hiệu lực từ ngày 22/8.
Dmitry Peskov - người phát ngôn của Tổng thống Nga - Vladimir Putin khẳng định Nga “không liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học này”, cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ là “không chấp nhận được” và “phi pháp”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - Maria Zakharova cũng cho biết Nga “sẽ phác thảo các biện pháp trả đũa” để đáp trả các lệnh trừng phạt này.
Quyết định bán nợ Mỹ của Nga được dự báo không có ảnh hưởng lớn đến thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ. Do họ không phải chủ nợ chính của nước này.
Thời kỳ đỉnh điểm tháng 11 năm ngoái, Nga chỉ nắm 105,7 tỷ USD nợ Mỹ, đứng thứ 15 trong nhóm chủ nợ nước ngoài. Trong khi đó, nước đứng đầu là Trung Quốc có tới 1.200 tỷ USD.
Tuy vậy, tình hình tại Nga cũng gây ra lo ngại rằng trong dài hạn, một chủ nợ lớn của Mỹ có thể đe dọa nước này bằng cách bán trái phiếu. Lo ngại này ngày càng tăng cao khi thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ tăng vọt và căng thẳng thương mại với Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng Trung Quốc khó bán số lượng lớn cùng lúc, và việc này cũng không có lợi cho họ. Rủi ro lớn hơn là Trung Quốc hoặc nước khác giảm sở hữu bằng cách giảm mua và chờ các trái phiếu hiện tại đáo hạn. Chính sách này sẽ có tác động đến Mỹ trong dài hạn, mà lại rất khó phát hiện.
Hà Thu (theo CNN)