Sergey Dankvert, Giám đốc cơ quan giám sát nông nghiệp Nga Rosselkhoznadzor cho biết hầu hết công tác chuẩn bị xuất khẩu đã hoàn tất. Vào tháng 9, Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế tạm thời đối với việc nhập khẩu thịt lợn Nga sau khi đánh giá hệ thống kiểm soát dịch tả lợn châu Phi (ASF) của nước này. Bắc Kinh áp lệnh cấm năm 2008, sau khi dịch ASF bùng phát.
Ông Dankvert cho biết Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều chân giò, bao tử, tai và đuôi, những bộ phận của lợn vốn không phổ biến ở Nga. "Nhiều phần mà người tiêu dùng Nga không có nhu cầu lại được coi là đặc sản ở đó", ông cho hay.
RusAgro, nhà sản xuất thịt lợn nổi tiếng của Nga, sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định của Trung Quốc, theo công ty tư vấn tài chính Ricom-Trust trụ sở tại Moskva. Tiềm năng phát triển hơn nữa của ngành chăn nuôi lợn Nga hoàn toàn phụ thuộc vào xuất khẩu.
Vào quý I, Nga đã xuất khẩu 46.800 tấn thịt lợn, tăng 32% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Việt Nam tăng vọt 130% lên 18.800 tấn, Hong Kong tăng 140% lên 1.600 tấn. Sản lượng bán sang Belarus (16.600 tấn) và Mông Cổ (1.400 tấn) tăng lần lượt 18% và 44%.
Năm nay, sản lượng thịt lợn xuất khẩu của Nga dự kiến tăng khoảng 5%, tương đương 200.000 tấn, là nhà xuất khẩu lớn thứ 8 thế giới. Theo Liên minh các nhà sản xuất thịt lợn quốc gia Nga (RUPP), sản xuất thịt lợn tăng trưởng khi các trang trại mở rộng nhờ chương trình cho vay ưu đãi của chính phủ từ 2018. RusAgro từng cân nhắc xây thêm trang trại lợn gần biên giới hoặc thậm chí ở Trung Quốc.
Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, chiếm một nửa tổng sản lượng toàn cầu. Thịt lợn chiếm khoảng 60% tổng lượng thịt các loại tiêu thụ ở nước này. Tám tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 1,9 triệu tấn thịt lợn, tăng 165.000 tấn so với 2022.
Sergey Kovalev, Chủ tịch RUPP ước tính với việc mở cửa thị trường Trung Quốc sẽ giúp sản lượng xuất khẩu có thể tăng lên 400.000 đến 500.000 tấn mỗi năm. Nếu điều thành hiện thực, Nga vào top 5 nước xuất khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới.
Phiên An (theo RT, PigProgress)