"Nga là một trong các quốc gia hàng đầu thế giới về năng lượng nguyên tử và từng hợp tác với Việt Nam về dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1", Đại biện lâm thời Nga tại Việt Nam Ivan Sergeevich Nesterov cho biết trong cuộc họp báo ngày 28/11 tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga ở Hà Nội.
Chính phủ ngày 27/11 đã trình quốc hội xem xét khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. "Khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng", Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nói.
Ông Nesterov cho biết Nga có kinh nghiệm và năng lực để triển khai dự án quan trọng này tại Việt Nam nếu được đề nghị.
Dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 tại huyện Thuận Nam và Ninh Hải của tỉnh Ninh Thuận, với tổng công suất 4.000 MW, được chính phủ trình đề xuất chủ trương đầu tư lên quốc hội vào cuối năm 2009.
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Vinatom) khi đó đề xuất công nghệ lò tiên tiến của Nga là AES2006/V491 cho dự án Ninh Thuận 1 và lò AP1000 của Mỹ cho dự án Ninh Thuận 2. Gần 100 người đã được cử đi học về điện hạt nhân ở các nước như Nga, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.
Tháng 11/2016, quốc hội quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, do điều kiện phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi. Khi đó, Việt Nam cũng cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội...
Giám đốc Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga Rossotrudnichestvo Yevgeny Alexandrovich Primakov cho biết hiện có nhiều sinh viên Việt Nam theo học về lĩnh vực điện hạt nhân ở Nga. Rossotrudnichestvo đang hợp tác với tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom để đào tạo chuyên gia về lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có năng lượng xanh.
Ông Primakov tin rằng các sinh viên đang học tập tại Nga sẽ đóng góp cho Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng xanh và sạch. Ông cho biết Nga dành 1.000 suất học bổng cho Việt Nam mỗi năm, chỉ xếp sau Belarus, cho thấy mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
Ông Primakov đang dẫn đầu đoàn đại biểu Nga thăm Việt Nam ngày 26-28/11 để trao đổi các vấn đề trong lĩnh vực giáo dục, nhân văn và văn hóa, phát triển quan hệ giữa các tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục giữa hai nước, nhằm đào tạo chuyên gia, nhà quản lý và liên kết nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao, đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa song phương.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 6 của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai bên đã ký bản ghi nhớ về kế hoạch triển khai Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam do Rosatom tiến hành. Ông Putin khẳng định phát triển năng lượng nguyên tử hòa bình là lĩnh vực hứa hẹn trong mở rộng hợp tác Việt - Nga.
Phạm Giang