"Quá trình rút toàn bộ nhân lực, vũ khí và thiết bị của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã hoàn tất ngày 12/6", Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho hay.
Nga hồi đầu tháng 4 xác nhận quân đội nước này cùng các xe bọc thép đã bắt đầu rút khỏi các cơ sở mà họ đồn trú ở Nagorno-Karabakh theo lệnh ngừng bắn năm 2020 do Moskva làm trung gian giữa Azerbaijan và Armenia. Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev đã thống nhất về việc rút quân này.
Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan từ khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát vùng này sau cuộc chiến đầu thập niên 1990. Azerbaijan và Armenia nhiều lần đụng độ sau đó, đỉnh điểm là cuộc chiến năm 2020, giúp Azerbaijan giành lại một phần Nagorno-Karabakh từ phe ly khai.
![Xe của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại Nagorno-Karabakh tháng 10/2023. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2024/06/12/afp-20231002-33xb82f-v3-highre-7577-9641-1718203114.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gQfTQDcWFzIPRmxa9hQFhg)
Xe của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại Nagorno-Karabakh tháng 10/2023. Ảnh: AFP
Armenia tháng 11/2020 chấp nhận ký thỏa thuận ba bên với Azerbaijan và Nga để chấm dứt 6 tuần giao tranh ác liệt khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại Nagorno-Karabakh. Nga sau đó điều 2.000 lính gìn giữ hòa bình đến khu vực để giám sát lệnh ngừng bắn.
Ngày 19/9/2023, Azerbaijan bất ngờ tiến hành chiến dịch tấn công phe ly khai tại Nagorno-Karabakh, bất chấp sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga. Một ngày sau đó, phe ly khai ký thỏa thuận đầu hàng quân đội Azerbaijan, chấp nhận buông vũ khí và giải tán lực lượng.
Cuộc xung đột đã làm rạn nứt mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa Nga và Armenia, khi Moskva vẫn duy trì mối quan hệ nồng ấm với Azerbaijan. Armenia cáo buộc Nga không bảo vệ được nước này trước mối đe dọa an ninh từ Azerbaijan.
Sau khi mất Nagorno-Karabakh, Armenia tìm cách thiết lập các liên minh an ninh mới bằng cách tăng cường quan hệ với phương Tây. Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách châu Âu và Á - Âu James O'Brien hôm 11/6 ra tuyên bố chung cho biết Yerevan và Washington đã đồng ý "nâng cấp tình trạng đối thoại song phương lên Ủy ban Đối tác Chiến lược".
Armenia tháng trước trả lại cho Azerbaijan 4 làng dọc biên giới mà nước này chiếm giữ từ những năm 1990, bước tiến mới hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia đối địch nhiều năm.
Thủ tướng Nikol Pashinyan mô tả động thái này nhằm đảm bảo thỏa thuận hòa bình cuối cùng với Azerbaijan, song khiến nhiều người Armenia tức giận và biểu tình phản đối. Họ cho rằng quyết định này có thể cô lập họ khỏi phần còn lại của đất nước và cáo buộc Thủ tướng Pashinyan đơn phương nhường lãnh thổ cho Azerbaijan mà không nhận lại được bất kỳ sự đảm bảo nào.
Huyền Lê (Theo AFP)