Năm 1983, biết tin Cục Cảnh sát Bắc Kinh đang chiêu mộ cảnh sát, Tống Minh Dương, 20 tuổi, đã bỏ công việc ở nhà máy gang thép để báo danh, thi tuyển và trở thành cảnh sát hình sự. Ông nhanh chóng trở thành gương mặt nổi bật, thường xuyên lập công và nhận bằng khen.
Năm thứ ba làm cảnh sát, Tống Minh Dương lập chiến công hạng ba đầu tiên: bắt kẻ hiếp dâm một bé gái. Tội phạm gây án ngẫu nhiên, không có nhiều manh mối nên ngày nào ông cũng đến hiện trường thăm dò, nhìn thấy kẻ nào đáng ngờ sẽ cho nạn nhân nhận dạng. Đến ngày thứ 40, kẻ hiếp dâm sa lưới.
Năm 25 tuổi, Tống Minh Dương kết hôn, có một con trai, cuộc sống viên mãn.
Năm thứ bảy làm cảnh sát, Tống Minh Dương được chuyển về đội đặc tình, phải tiếp xúc sâu với các băng nhóm để thiết lập mạng lưới tình báo, hóa thân thành "đại ca" trong miệng những người bí mật cung cấp thông tin cho cảnh sát. Vì nhiệm vụ có tính bảo mật cực cao, ông không kể gì với gia đình, hầu hết đồng nghiệp cũng không hay biết.
Vào những năm 1990, Tống Minh Dương được mệnh danh là "Tống đại gia" vì mặc toàn đồ hiệu, đeo máy nhắn tin trên thắt lưng, cầm điện thoại di động, vuốt tóc bóng lộn, lái xe sang gặp gỡ đủ kiểu dân xã hội đen.
Dựa vào thiết lập mối quan hệ tốt với những người cung cấp thông tin trong thế giới ngầm, công việc của Tống Minh Dương ngày càng suôn sẻ. Ở tuổi 33, ông đã nhận được hơn 10 bằng khen, hơn nửa là bằng khen của Bộ Công an, trở thành "ngôi sao" trong giới cảnh sát và xã hội đen.
Khi cục cảnh sát có vụ án lớn, giám đốc vừa đến hiện trường sẽ hỏi "Tống Minh Dương đã đến chưa?". Những kẻ lưu manh ca ngợi: "Đại ca giậm chân một cái thì cả khu này chấn động". Điều này khiến ông tự tin đến mức muốn công tác đặc tình đạt đến độ "nắm cả hắc bạch lưỡng đạo".
"Giờ nghĩ lại khi đó thật là điên rồ và mỉa mai", Tống Minh Dương nói.
Tháng 3/1996, Bắc Kinh xảy ra "án Bạch Bảo Sơn", vụ án lớn nhất kể từ khi thành lập nước CHND Trung Hoa. Bạch Bảo Sơn cướp súng, giết 17 người, trong đó có 5 cảnh sát, gây ra hàng chục vụ cướp của. Cảnh sát Bắc Kinh chịu áp lực rất lớn phải phá án nhanh chóng.
Tháng 4 năm đó, thông qua một người cung cấp thông tin, Tống Minh Dương có được manh mối quan trọng: Người đàn ông tên "Hắc Tử" ở quận Triều Dương thuộc địa bàn ông phụ trách, được trang bị súng lục, súng tiểu liên và lựu đạn. Thời gian cấp bách, ông cải trang thành kẻ buôn ma túy đột nhập hang ổ của "Hắc Tử".
Bọn lưu manh trong ổ ma túy, mại dâm này chưa từng thấy Tống Minh Dương hít thuốc trước mặt mọi người nên bắt đầu nghi ngờ, thậm chí có kẻ giương súng hỏi có phải cảnh sát không. Không còn cách nào khác, Tống Minh Dương lần đầu tiên hít ma túy. Vì đã luyện tập từ trước, động tác điêu luyện của ông xua tan nghi ngờ của đối phương.
"Ngụm khói đầu tiên có vị rất buồn nôn. Tôi nghĩ cái thứ này mà có thể gây nghiện à?", Tống Minh Dương chia sẻ cảm nhận khi đó. Tuy nhiên, chính lời nói "một lần thử sẽ không gây nghiện" này đã thay đổi hoàn toàn nửa đời sau của ông.
Để phá án, ông tiếp tục nhiều lần thâm nhập băng đảng, mỗi lần đến đều hít thuốc, vờ là kẻ nghiện để hòa nhập với chúng. Dần dần, ông thấy thèm thứ từng khiến mình "kinh tởm", từ đó cuộc đời Tống Minh Dương bước vào một đường hầm dài tăm tối.
Tống Minh Dương biết mình nghiện và phải cai ma túy ngay lập tức. Ông tưởng rằng với nghị lực của mình, việc cai nghiện sẽ không quá khó khăn. "Tôi là người đến cái chết còn không sợ thì thứ này có gì mà không cai được?", ông từng nghĩ.
Tống Minh Dương tự nhốt mình lại, nhưng ma lực của ma túy lớn hơn ông tưởng tượng rất nhiều, trong cuộc chiến với ma túy, ông luôn là kẻ thua cuộc. Từ cuộn thuốc, đốt giấy bạc để hít ma túy đến dùng ống tiêm, cơn nghiện bủa vây ông như ác mộng. "Đôi khi phải điều tra và thẩm vấn suốt đêm, không có thời gian để hít từ từ nên tôi phải lao vào nhà vệ sinh lấy kim tiêm. Bây giờ tay tôi vẫn còn đầy lỗ kim".
Trong những lần giằng co giữa cơn nghiện và cai nghiện, Tống Minh Dương vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bí mật. Đầu năm 1997, thông qua "Hắc Tử", ông dụ bạn hắn là "anh Tân" xuất hiện dưới danh nghĩa mua súng, từ đó phá một mạng lưới bán súng ngầm. Sau khi phá án, Tống Minh Dương được Bộ Công an tặng bằng khen hạng ba. Đây cũng là huân chương cuối cùng trong sự nghiệp của ông.
Vì dùng ma túy quá lâu mà chưa thể cai dứt điểm, sức khỏe của ông ngày càng sa sút và không thể làm việc như bình thường. Năm 2001, ông bị điều chuyển khỏi tiền tuyến, phân về bộ phận dự thẩm.
Điều khiến ông khó chịu hơn vòng luẩn quẩn cai nghiện và tái nghiện chính là những lời đàm tiếu sau lưng của các đồng nghiệp. Ông nói từng muốn hét lên giữa văn phòng rằng: "Tôi dính ma túy vì công việc, tôi không phải là cảnh sát cặn bã".
Cuối năm 2005, Tống Minh Dương mắc chứng nghiện ma túy và trầm cảm, xin nghỉ bệnh. Lúc đó ông 42 tuổi, độ tuổi mà các đồng đội cùng lứa được thăng chức trưởng phòng, giám đốc.
Sau khi nghỉ, ông thấy cuộc sống không còn ý nghĩa, cơn nghiện ngày càng nặng. Để có được ma túy, ông tìm đến những người cung cấp thông tin từng đào tạo trước đó và trao đổi ma túy với họ.
Năm 2011, một kẻ nghiện dụ Tống Minh Dương gửi ma túy cho mình hòng lập công. Ông bán 0,32 g heroin cho hắn với giá 300 nhân dân tệ và bị bắt quả tang.
Tại tòa, cơ quan công an đưa ra bằng chứng chứng minh Tống Minh Dương nghiện ma túy khi làm việc công, cuối cùng tòa án tuyên phạt mức án khoan hồng là 6 tháng tù và phạt tiền 3.000 nhân dân tệ.
Nhìn thấy hình ảnh mình bị còng tay áp giải qua hành lang phản chiếu trên tường nhà tù, Tống Minh Dương bật khóc. "Ở trong tù, tôi bế tắc, cả ngày rửa mặt bằng nước mắt, thậm chí nghĩ đến cái chết để chấm dứt tất cả". Nhưng một năm sau khi ra tù, ông lại bị bắt quả tang trong vụ giống hệt, lần này phải nhận án một năm tù.
Sau khi ra tù ngày 19/7/2012, Tống Minh Dương cùng con trai sống ở ngôi nhà cũ rộng 63 m2 của bố mẹ - gia đình nhỏ của riêng ông đã tan vỡ.
Vợ Tống Minh Dương là công nhân, vốn tính cách vui vẻ, dịu dàng, nhưng ảnh hưởng từ công việc của chồng khiến bà bị đe dọa đến mức mắc bệnh tâm lý. Sau khi biết chồng nghiện ma túy, bà suy sụp tinh thần, năm 2001 được chẩn đoán khuyết tật thần kinh, tâm thần mức độ 2. Vài ngày trước lần đầu buôn ma túy, ông đưa vợ vào bệnh viện tâm thần.
Do thiếu giao tiếp từ nhỏ, con trai ông mắc chứng tự kỷ nhẹ. Ông cho biết rất tiếc nuối khi vắng mặt trong quá trình trưởng thành của con. Dù đã cố gắng hết sức chu cấp cho con điều kiện vật chất tốt nhất trong "thời huy hoàng" nhưng vì công việc đặc thù, không biết ngày nào sẽ hy sinh, ông luôn cố tình tránh né xây dựng quan hệ gắn bó với con, giờ tình cảm của hai cha con rất nhạt nhòa.
Vì phạm tội, đơn vị cắt lương hưu, khiến ông không còn nguồn thu nhập. Chi phí cai nghiện đắt đỏ gần như làm cạn kiệt lương hưu và tiền tiết kiệm của bố mẹ ông. Trong một năm, riêng chi phí thuốc men đã gần 30.000 nhân dân tệ.
Do nghiện ma túy, Tống Minh Dương bị bệnh tim, trí nhớ suy giảm, cơ bắp bị phá vỡ, nằm hay ngồi đều khó khăn, uống bao nhiêu thuốc ngủ cũng vô ích. Từng nghĩ đến việc kết liễu cuộc đời, ông chùn chân vì lo cho bố mẹ tuổi cao, sợ con phải gánh ô danh suốt đời.
Luật sư từng hỏi Tống Minh Dương rằng nếu có thể quay ngược thời gian trở lại ngày lần đầu tiếp xúc với ma túy vào tháng 5/1996, liệu ông có lựa chọn khác không? Tống Minh Dương không chút do dự nói không hối hận vì lựa chọn ban đầu: "Tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ hy sinh trên cương vị, thế thì tốt biết mấy? Những gì tôi để lại cho gia đình sẽ không phải là sự tủi nhục hiện tại mà là vinh quang".
Hơn 20 năm qua, Tống Minh Dương vẫn giữ gìn những bộ cảnh phục và bằng khen, huân chương, cùng cuốn nhật ký ngày xưa.
Năm 1983, vào ngày nhận được thông báo tuyển dụng của cảnh sát, ông phấn khích đến mức viết vào nhật ký: "Hôm nay là ngày tôi sẽ không bao giờ quên. Nhờ nỗ lực của bản thân, tôi đã được nhận vào Cục Cảnh sát Bắc Kinh. Trên đường đời, kể từ hôm nay trở đi, tôi đã bước sang một trang huy hoàng, và tôi cũng sẽ chiến đấu vì chính nghĩa mà tôi sùng kính".
Những năm qua, rất nhiều đơn vị truyền thông từng phỏng vấn Tống Minh Dương, cũng có rất nhiều người tranh luận: Ông rốt cuộc là tội phạm, hay là anh hùng?
Tống Minh Dương chỉ nói: "Giờ vẫn còn nhiều người gọi tôi là cảnh sát, tôi cảm thấy mình không xứng nữa. Tôi chỉ hy vọng các bạn có thể viết một câu, tôi không phải là cảnh sát cặn bã, vậy là đủ rồi".
Tống Minh Dương dùng trải nghiệm của chính mình để cảnh cáo người đời: "Trước đây tôi tràn đầy hoài bão, nhưng ma túy đã hủy hoại tất cả. Tôi phải trải qua hàng trăm lần cai nghiện, bạn không tưởng tượng nổi quá trình này gian khổ thế nào. Một khi lơi lỏng sẽ rất dễ bị cám dỗ. Bạn có thể không sợ chết, muốn thử nghiệm mọi thứ trên đời, nhưng chỉ ma túy là không được".
Tuệ Anh (Theo ifeng, Lifeweek)