Module gắn trên đỉnh tên lửa Proton-M cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur Cosmodrome ở Kazakhstan vào lúc 21h58 ngày 21/7 theo giờ Hà Nội. Đây là dự án phòng thí nghiệm vũ trụ lớn nhất của Nga, ban đầu có kế hoạch được phóng lên vào năm 2007 nhưng bị trì hoãn cho đến nay.
"Khoảng 40 phút sau khi cất cánh, module đã tách ra khỏi tên lửa Proton-M. Nó đang bắt đầu chuyến bay tự hành kéo dài 8 ngày tới ISS", Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos cho biết trong một tuyên bố trên Twitter.
Ba phút sau đó, Nauka triển khai thành công ăng-ten và các tấm pin năng lượng mặt trời. Module cũng được trang bị động cơ riêng để nâng độ cao lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Nó dự kiến cập bến ISS vào ngày 29/7.
Với chiều dài hơn 13 m, đường kính 4,3 m và nặng tới 22 tấn, phòng thí nghiệm vũ trụ mới của Nga chứa các cơ sở nghiên cứu, nhà vệ sinh, hệ thống tái tạo oxy, thiết bị tái chế nước tiểu, đồng thời cung cấp giường dự phòng cho các phi hành gia.
Module cũng mang theo Cánh tay robot châu Âu (ERA), một thiết bị khổng lồ do công ty hàng không Airbus chế tạo cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) để phục vụ phân đoạn quỹ đạo của Nga. Nó có thể di chuyển và lắp đặt các bộ phận có khối lượng lên tới 8.000 kg, đồng thời vận chuyển phi hành gia từ địa điểm làm việc này sang địa điểm làm việc khác trong các chuyến đi bộ ngoài không gian.
Trước khi Nauka cập bến, các phi hành gia trên ISS phải tháo cổng ghép nối Pirs trên module dịch vụ Zvezda của Nga. Nhiệm vụ này đã được lên lịch vào lúc 20h17 ngày mai.
Pirs đã ở trên ISS gần 20 năm, đóng vai trò như một bến đỗ và chốt chặn cho phòng thí nghiệm quỹ đạo. Khi tách khỏi trạm, nó sẽ rơi trở lại Trái Đất một cách có kiểm soát: bốc cháy một phần trong bầu khí quyển trước khi đáp xuống Thái Bình Dương khoảng 4 giờ sau đó, theo hãng thông tấn Nga TASS.
Đoàn Dương (Theo Space)