Nga đang có kế hoạch phát triển một siêu tên lửa giúp chuyên chở vật tư để xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng trong tương lai, Dmitry Rogozin, phó thủ tướng Nga, nói trong buổi gặp mặt với các chuyên gia của tập đoàn tên lửa vũ trụ Energia hôm 28/11.
"Theo lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, chúng tôi đang hoàn thiện về mặt kỹ thuật nhằm khởi động dự án tên lửa không gian siêu trọng với khả năng vận tải lớn. Nó sẽ mở đường cho việc xây dựng một trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng, có thể tham quan và cư trú", hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Rogozin cho biết.
Theo TASS, kế hoạch chế tạo tên lửa không gian siêu trọng được phê duyệt vào năm 2014, nhưng bị hoãn lại vào năm ngoái. Dự án này không có mặt trong chương trình không gian liên bang Nga giai đoạn 2016-2025. Tuy nhiên, nó được tái khởi động khi Nga dự định đưa phi hành gia đầu tiên lên Mặt Trăng năm 2031.
Nhiệm vụ hạ cánh lên Mặt Trăng đầy tham vọng của Nga sẽ bắt đầu vào năm 2026 với một chuyến bay không người lái tới Mặt Trăng, tiếp đó là một module cất cánh và hạ cánh được phóng lên quỹ đạo của Mặt Trăng năm 2027, Vladimir Solntsev, giám đốc điều hành tập đoàn tên lửa vũ trụ Energia, cho biết.
"Trong năm 2030, chúng tôi sẽ cho một chuyến bay có người lái tới Mặt Trăng và đến năm 2031 sẽ hạ cánh xuống Mặt Trăng", Solntsev nói.
Tháng 9/2016, Cơ quan Không gian Vũ trụ Nga Roscosmos tiết lộ rằng họ đang tiến hành rất nhiều mô phỏng để chuẩn bị cho kế hoạch đưa 12 nhà du hành vũ trụ lên sống trong một căn cứ cố định ở bề mặt Mặt Trăng.
Tính đến nay, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) là cơ quan duy nhất có thể đưa con người đặt chân lên Mặt Trăng, với tất cả 12 nhà du hành vũ trụ trong khoảng thời gian từ năm 1969 đến năm 1972.
Xem thêm: Cú va chạm khiến quỹ đạo Mặt Trăng nghiêng so với hệ Mặt Trời
Lê Hùng